Toạ đàm thu hút sự tham gia của gần 200 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, các đơn vị nghiên cứu, hoạt động khoa học, hoạt động khuyến nông, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; các báo đài Trung ương, địa phương và người sản xuất tiêu biểu trên địa bàn tỉnh. Ông Hoàng Văn Hồng – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và ông Vương Đắc Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hoà Bình đồng chủ trì diễn đàn.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh tọa đàm

Đây hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc “Hội chợ Nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc năm 2022” tổ chức tại tỉnh Hòa Bình. Tọa đàm được tổ chức với mục đích tạo điều kiện cho hợp tác xã, nông dân trao đổi, thảo luận cùng các nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp về chủ trương, chính sách trong công tác phát triển các sản phẩm nông sản chất lượng cao, sản phẩm OCOP. Đây cũng là nơi để các đại biểu chia sẻ những kinh nghiệm, khó khăn, vướng mắc nhằm tìm những giải pháp trong sản xuất, thống nhất định hướng phát triển sản phẩm nông sản của tỉnh, hướng tới cung cấp những sản phẩm chất lượng phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết: những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản được đưa vào phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu như sắn, chè, mía, chuối... mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc tế. Để thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh, ngành nông nghiệp đã chủ động tham mưu ban hành các đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất, theo đó phát triển ổn định lĩnh vực trồng trọt. Hiện, sản xuất nông nghiệp của tỉnh duy trì ổn định ở mức 36 nghìn ha lúa, 40 nghìn ha ngô, 11,5 nghìn ha rau đậu, 7.500-8.000 ha mía, hơn 9,5 nghìn ha cây ăn quả có múi; bên cạnh đó, mở rộng diện tích trồng các loại cây có thế mạnh của từng địa phương, tạo lợi thế cạnh tranh theo từng vùng, miền.

leftcenterrightdel
 Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình phát biểu tại tọa đàm

Trong năm 2022, ngành nông nghiệp Hòa Bình tập trung đẩy mạnh việc phát triển các vùng nguyên liệu chất lượng cao, sản phẩm OCOP để phục vụ cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đến nay, diện tích cây ăn quả có múi toàn tỉnh hơn 9.600 ha, sản lượng dự kiến 166.700 tấn; diện tích mía còn khoảng 7.000 ha, sản lượng dự kiến hơn 518.000 tấn; diện tích ngô khoảng 32.000 ha, sắn khoảng 8.600 ha, diện tích chuối khoảng trên 1.000 ha, diện tích nhãn khoảng 1.000 ha… Bên cạnh đó, nhiều cây trồng mới có giá trị kinh tế cao đang từng bước được đưa vào trồng thử nghiệm và được đánh giá là cây trồng có tiềm năng trong thời gian tới như cây gai xanh. Năm 2022, diện tích trồng cây gai xanh làm nguyên liệu chế biến sợi may mặc được mở rộng liên kết, tiêu thụ tại 6 huyện, thành phố (Đà Bắc, Kim Bôi, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn và thành phố Hoà Bình) với quy mô gần 260 ha.

Về sản phẩm OCOP, năm 2022 tỉnh Hòa Bình có thêm 23 sản phẩm OCOP, nâng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh lên 123 sản phẩm, trong đó có 24 sản phẩm OCOP 4 sao và 99 sản phẩm OCOP 3 sao.

Về xuất khẩu, 09 tháng đầu năm 2022, tỉnh Hoà Bình đã xuất khẩu được 317 tấn nông sản (chuối 225 tấn, nhãn 30 tấn, mía 62 tấn), dự kiến cuối năm 2022 xuất khẩu thêm khoảng 700 tấn nông sản xuất khẩu sang thị trường các nước, trong đó có những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Hàn Quốc...

Kế hoạch phát triển giai đoạn 2023 – 2025, tỉnh Hoà Bình đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với chế biến phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Trong thời gian tới, Hòa Bình sẽ xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng và sản phẩm lợi thế phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu; nâng cao năng lực sơ chế, bảo quản sản phẩm, năng lực chế biến sâu, chế biến tinh nông sản chủ lực; phát triển đa dạng các hình thức quảng bá, kết nối và tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường mới, xuất khẩu để từng bước nâng cao giá trị cho các loại nông sản...

leftcenterrightdel
Ban chủ tọa, Ban cố vấn tọa đàm 

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi những vấn đề xoay quanh việc phát triển vùng nguyên liệu, chỉ ra những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và bảo vệ thương hiệu các sản phẩm nông sản, đặc biệt là những loại nông sản có thế mạnh như bưởi, cam, mía...

Các đại biểu kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT Hòa Bình sớm ban hành đề án phát triển vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn năm 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và những chính sách hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu. Ban hành cơ chế, chính sách thiết lập, giám sát mã số vùng trồng; chính sách hỗ trợ cước vận chuyển nguyên liệu phục vụ cho chế biến và xuất khẩu đối với nhóm sản phẩm như mía ăn tươi, quả có múi, chuối…; ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ trong sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản đối với nhóm sản phẩm phục vụ mục tiêu chế biến như dong riềng, chè và một số cây trồng khác.

Ngoài ra, đầu tư nguồn lực về kinh phí để hỗ trợ cơ sở sản xuất, chế biến đảm bảo các điều kiện về an toàn thực phẩm phục vụ xuất khẩu như (ISO, HACCP, VietGAP, GlobalGAP...); hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, kho lạnh bảo quản sản phẩm, bao bì, tem truy xuất và xây dựng các mô hình, dự án về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...

Đề nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng chính sách phát triển vùng nguyên liệu tại đơn vị, trong đó đưa ra các yêu cầu về chất lượng nguyên liệu, thời điểm thu mua, giá thu mua; kịp thời thu mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch, tuân thủ các cam kết hoặc hợp đồng đã ký với người sản xuất. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ ban đầu để giảm bớt khó khăn về tài chính cũng như tạo niềm tin cho người sản xuất...

Hoàng Phương - Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia