Toàn cảnh hội nghị

 

Hội nghị có sự tham dự của 180 đại biểu thuộc các tổng cục, cục, vụ, viện... thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh HTX Việt Nam; Trung tâm Khuyến nông/Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, Trạm Khuyến nông các huyện và thành viên của 10 tổ Khuyến nông cộng đồng của 5 địa phương: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An cùng đại diện một số doanh nghiệp. Một số địa phương tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến. Đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương tham dự và đưa tin về hội nghị.

Tổ Khuyến nông cộng đồng Đắk Nông tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến
 
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TTKN Hòa Bình

 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Hiện nay việc phát triển các vùng nguyên liệu nông, lâm sản vẫn bộc lộ nhiều hạn chế là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Nhiều vùng nguyên liệu tuy đã dần hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng, nhất là ở các vùng nguyên liệu lớn hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu; Việc triển khai các chính sách của nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.... Tất cả những hạn chế trên đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp bị hạn chế; hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao; tổn thất sau thu hoạch còn đáng kể. Thu nhập của người nông dân còn thấp.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị

 

Xuất phát từ những tồn tại thực tế trên, nhằm khắc phục hạn chế trong việc phát triển các vùng nguyên liệu; đồng thời đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn trong giai đoạn tới đòi hỏi nhà nước cần hỗ trợ hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu, gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, hiện đại, ổn định lâu dài. Quá đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.

Đối với Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 – 2025 sẽ hướng tới mục tiêu củng cố kiện toàn hệ thống khuyến nông theo hướng dịch vụ, phục vụ tái cơ ngành và phát triển nông thôn, góp phần củng cố xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng nông sản. Tăng cường hệ thống khuyến nông cơ sở, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững, đa dạng các hoạt động khuyến nông.

Đề án chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1. Từ năm 2022 - 2023, thực hiện dự án thí điểm xây dựng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng phục vụ phát triển vùng nguyên liệu bền vững trên địa bàn 13 tỉnh: Sơn La, Hoà Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An.

Giai đoạn 2. Từ năm 2024 - 2025, thực hiện dự án đánh giá, nhân rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng ra các địa phương có điều kiện tương tự trên địa bàn 15 tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Theo PGS.TS Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đây là lần đầu tiên trong 30 năm hoạt động, ngành khuyến nông có một đề án tổ chức bài bản. Lâu nay, hệ thống khuyến nông ở địa phương có nơi làm tốt, có nơi đang bị đứt gãy, hoặc lúng túng trong việc duy trì hoạt động. Đề án triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi ngành nông nghiệp đang nỗ lực tái cơ cấu nên mang ý nghĩa quan trọng cho hoạt động của khuyến nông thời gian tới.

Khuyến nông cộng đồng triển khai trên lực lượng nòng cốt là cán bộ khuyến nông cơ sở, lực lượng gắn bó trực tiếp với người sản xuất. Mô hình khuyến nông cộng đồng sẽ không tăng biên chế ở khuyến nông địa phương mà kiện toàn theo hình thức xã hội hóa. Khuyến nông cộng đồng sẽ là lực lượng kết nối hiệu quả nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam trả lời phỏng vấn của các đơn vị truyền thông tại hội nghị

 

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh:

Nghị định số 83/2018/NĐ-CP, ngày 24/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Khuyến nông với một phần nội dung về đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động khuyến nông chính là vấn đề mấu chốt để triển khai Đề án khuyến nông cộng đồng giai đoạn 2022 – 2025. Đề án lần này hướng tới mục tiêu xây dựng được một đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở gần gũi, sát sao, trực tiếp tham gia sản xuất với nhân dân. Cán bộ khuyến nông cộng đồng khác với cán bộ tư vấn dịch vụ nông nghiệp, cũng không đơn thuần là cán bộ kỹ thuật mà phải là một cán bộ khuyến nông có đầy đủ kỹ năng, am hiểu và có thể tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội của địa phương; gần gũi, gắn bó với nông dân. Những cán bộ này liên tục phải được tập huấn kiến thức về kỹ thuật, thị trường, tổ chức sản xuất và công nghệ số... Các kiến thức trang bị cho đội ngũ khuyến nông cộng đồng sẽ do nhà nước đào tạo sau đó kết hợp với doanh nghiệp để thực hiện xã hội hóa hoạt động khuyến nông từ đó có điều kiện phục vụ tốt nhất cho xã hội và cũng sẽ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp. Đây cũng chính là cơ chế để cán bộ khuyến nông cộng đồng có thể sống được với nghề, yên tâm cống hiến cho công việc. Vai trò của cán bộ khuyến nông cộng đồng sẽ là: Truyền tải những thông tin, định hướng của ngành tới cuộc sống; tiếp thu kiến thức để hỗ trợ địa phương và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp. Đề án ở giai đoạn thí điểm nên thời gian tới sẽ là chặng đường gian nan, Thứ trưởng tin tưởng rằng các bên sẽ cùng nhau đoàn kết, khắc phục khó khăn, vất vả để đề án sẽ đạt tới thành công.

Kết thúc hội nghị là Lễ ra mắt Tổ Khuyến nông cộng đồng và Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai xây dựng phát triển vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 – 2025.

Lễ ra mắt tổ KNCĐ và trao tài liệu cho các thành viên của tổ

 

Lễ Ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai xây dựng phát triển vùng nguyên liệu nông lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 – 2025

VO - ĐT

 

Xem tin, bài về hội nghị tại một số báo sau:

Báo Dân Việt:  Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn; Đề án nâng cao hiệu quả khuyến nông

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Báo Nhân dân; Truyền hình Nhân dân

Đài Tiếng nói Việt Nam

Thông tấn xã Việt Nam

Trang Thành phố Hồ Chí Minh

Báo Sài Gòn giải phóng online

Truyền hình Thông tấn

Bản tin Truyền hình Thông tấn ngày 01/4/2022