Tại hội nghị, các đại biểu đã được Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng - đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án báo cáo kết quả triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020 – 2024 và đại diện Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên báo cáo tham luận về thực trạng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn huyện Cát Tiên, kế hoạch và phương hướng phát triển trong thời gian tới…
Trước khi triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, năm 2020 toàn tỉnh có 105,24 ha sản xuất hữu cơ và bán hữu cơ (chiếm khoảng 0,187% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh). Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng có 1.708,18 ha đạt chứng nhận sản xuất hữu cơ đạt 106,76% mục tiêu đề án, trong đó rau 94,91ha đạt 37,96%, cây ăn quả 33,97ha đạt 17%, lúa 34 ha đạt 22,7%, chè 37 ha đạt 18,5%, cà phê 216,3 ha đạt 54,07%, mắc ca 33,1 ha đạt 16,55%, dược liệu 2,0 ha đạt 1,3%, nấm 6,5 ha đạt 13%, về chăn nuôi hiện có 140 ha đồng cỏ, 1.005 còn bò sữa đạt 50,3%, 38 con bò thịt đạt 9,5%, gà đẻ trứng 15.000 con đạt 75%... Ngoài ra có 1.110,4 ha điều được chứng nhận sản xuất hữu cơ (ngoài mục tiêu đề án). Như vậy, sau 4 năm triển khai thực hiện, tổng diện tích phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh đạt 106,76%…
Mặc dù đề án đã được những kết quả khả quan nhưng bên cạnh đó, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ của từng cây trồng, vật nuôi theo mục tiêu của đề án còn thấp; Liên kết chuỗi trong sản xuất nghiệp hữu cơ của các tổ chức, cá nhân mới chỉ được hỗ trợ tư vấn xây dựng chuỗi, chưa được hỗ trợ nội dung thực hiện; Các tổ chức cá nhân chưa duy trì cấp chứng nhận hữu cơ khi hết hỗ trợ của nhà nước (đề án chỉ hỗ trợ cấp giấy chứng nhận 01 lần)…
Việc triển khai đề án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Định mức hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn thấp, đặc biệt là các mô hình sản xuất và mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sơ chế, chế biến bảo quản sản phẩm hữu cơ; Kinh phí cấp giấy chứng nhận khá cao, thời hạn cấp chứng nhận ngắn, chưa có nhiều tổ chức tham gia cấp chứng nhận, phần lớn diện tích được cấp giấy chứng nhận từ nguồn kinh phí của đề án và một số ít của doanh nghiệp có tiềm năng; Yêu cầu cần phải có thời gian chuyển đổi trước khi được chứng nhận hữu cơ, trong thời gian này cây trồng thường cho năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao nên khó thu hút nông dân tham gia sản xuất hữu cơ; Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng rõ làm xuất hiện các loại dịch bệnh mới khó kiểm soát trong khi môi trường canh tác chưa được cải tạo; Các loại vật tư đầu vào chưa phổ biến và chưa có danh mục vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nên gặp không ít khó khăn trong canh tác hữu cơ…
Tại hội nghị đã có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các ngành, các địa phương, các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Đề án về những khó khăn, vướng mắc nêu trên. Trong thời gian tới, các địa phương trong tỉnh cần quan tâm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án, đồng thời có kế hoạch lồng ghép, bố trí kinh phí để thực hiện Đề án trong những năm tiếp theo. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn về nông nghiệp hữu cơ tại các địa phương để người dân tiếp cận và mở rộng sản xuất hữu cơ. Tiếp tục xây dựng liên kết, phối hợp tổ chức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương hiệu cho sản phẩm hữu cơ, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Văn Thọ
Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng