Trước đó, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 và theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã xây dựng kế hoạch số 238/KH-KN ngày 14/4/2023 phát động phong trào đọc sách trong hệ thống khuyến nông Việt Nam với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú như: tổ chức thông tin tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, khuyến khích phát triển phong trào đọc sách trong hệ thống khuyến nông; tổ chức tuần lễ đọc sách từ ngày 17/4/2023 đến ngày 24/4/2023...

Mở đầu buổi Lễ, ông Lê Minh Lịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có bài trình bày về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Theo ông Lịnh: Sách là giá trị tinh thần vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, là kho tàng tri thức vô tận và là ánh sáng dẫn bước đi đến tương lai. Văn hóa đọc là một trong những truyền thống quý báu cần được phát huy để có thể phát triển bền vững. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực và trên thế giới, tỷ lệ người Việt đọc sách còn thấp. Hiện chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 44% thỉnh thoảng mới đọc sách và 26% không đọc sách. Bình quân mỗi năm, một người Việt Nam chỉ đọc khoảng 1 cuốn sách. Trước thực trạng tỉ lệ đọc sách quá thấp, nước ta từng có nhiều mô hình nhằm cải thiện tình hình. Tuy nhiên, tỉ lệ đọc sách ở người dân vẫn cải thiện không đáng kể.

leftcenterrightdel
 Phó Giám đốc Trung tâm KNQG Lê Minh Lịnh trình bày về Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam

Trong hệ thống khuyến nông Việt Nam, nhiều năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh và các đơn vị xuất bản nhiều ấn phẩm với nội dung và hình thức phong phú, đa dạng. Mỗi năm, có khoảng 20 đầu ấn phẩm khuyến nông, tương đương với 120.000 bản được phát hành miễn phí đến 4.300 địa chỉ, giúp cán bộ khuyến nông và đông đảo bà con nông dân tiếp cận các chủ trương chính sách, tiến bộ kỹ thuật, thông tin thị trường... góp phần phát triển sản xuất hiệu quả. Đặc biệt vài năm gần đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã hỗ trợ các đơn vị hình thành Tủ sách khuyến nông. Thực tế cho thấy, nhiều tủ sách được các địa phương kết hợp cùng tủ sách cộng đồng, tủ sách nhà văn hóa, tủ sách pháp luật đã mang lại hiệu quả đáng kể.

Từ năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã thực hiện thí điểm sách nói thể hiện bằng các ngôn ngữ dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi, kể cả khi đang làm việc. Năm 2023 và những năm tiếp theo, Trung tâm sẽ thực hiện số hóa sách giấy truyền thống sang phiên bản sách nói – sách audio nhằm mang lại sự tiện lợi cho người đọc.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Nông nghiệp và PTNT – một người không chỉ đọc sách mà còn viết sách, đã chia sẻ một số kinh nghiệm về đọc sách. Ông Tuấn cho rằng, để có thể yêu thích sách, chúng ta nên đọc từ rộng đến sâu. Cũng có thể đọc sách theo sở thích, theo nhóm, theo câu lạc bộ. So với các nước phát triển, giá sách ở nước ta khá rẻ, vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được phong trào đọc sách và văn hóa đọc. Khi đọc sách, người đọc cũng cần biết cách chọn lọc sách để đọc. Khi đã xây dựng được văn hóa đọc sách, người đọc sẽ chủ động tìm sách và mua sách.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn chia sẻ một số kinh nghiệm về đọc sách 

Còn ông Trần Cao – Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ sự ngạc nhiên và vui mừng khi buổi Lễ có sự kết nối tới hơn 200 điểm cầu trên toàn quốc. Nói về văn hóa đọc sách, ông Cao chia sẻ câu nói ngắn gọn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan: “Nào hãy cầm quyển sách lên đọc!”. Với bản thân ông, biết đến khuyến nông từ những năm 1997 -1998, ông có một kỷ niệm khi viết bài về đề tài lúa lai. Nhờ đọc cuốn sách về sản xuất lúa lai F1, ông đã có một bài viết đầy đủ, sâu sắc về đề tài không kém một chuyên gia nông nghiệp. Ông cũng bày tỏ sự yêu thích với cuốn sách Kỹ thuật trồng mắc ca ở Việt Nam của Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Cuốn sách đã giúp ông hiểu hơn về “cây trồng tỷ đô”, về việc lựa chọn vùng trồng, kỹ thuật trồng để mang lại hiệu quả cao nhất. Là một đơn vị đồng hành với hệ thống khuyến nông, khi biết rằng khuyến nông đã xây dựng được hệ thống học liệu, ông Cao nảy ra ý tưởng, mong muốn 2 đơn vị hợp tác để xây dựng, mở rộng hệ thống tủ sách khuyến nông. Báo Nông nghiệp Việt Nam có thể giới thiệu sách của khuyến nông trên cả nền tảng báo viết, báo nói và báo hình; hướng tới mục tiêu không chỉ cán bộ khuyến nông mà cả bà con nông dân cũng đọc sách.

leftcenterrightdel
Ông Trần Cao- Phó TBT báo NN Việt Nam phát biểu tại buổi lễ 

Ý kiến của đại diện Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho rằng Lễ phát động lần này rất ý nghĩa, vì đọc sách giúp cán bộ khuyến nông triển khai công việc tốt hơn, truyền tải được nhiều tri thức hơn tới bà con nông dân. Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng vẫn động viên cán bộ, viên chức tích cực đọc, duy trì và phát triển tủ sách. Trung tâm đã mua nhiều cuốn sách có giá trị trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là những cuốn sách về hoa, về cảnh quan Đà Lạt để các cán bộ khuyến nông có thêm kiến thức, đóng góp cho sự phát triển của quê hương Lâm Đồng.

Ông Nguyễn Ngọc Đam - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng khẳng định, cán bộ khuyến nông cần đọc sách để nâng cao kiến thức toàn diện giúp mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan, giúp truyền tải thông tin tốt hơn tới người dân. Hải Phòng sẽ xây dựng tủ sách khuyến nông tại các trạm khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng, hướng tới mục tiêu cán bộ khuyến nông và bà con nông dân cùng hưởng thụ đọc sách.

leftcenterrightdel
Đọc sách giúp "thay đổi một suy nghĩ, thay đổi cả cuộc đời"

Phát động phong trào đọc sách trong hệ thống khuyến nông Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh cho rằng, thế giới luôn luôn thay đổi để tồn tại và phát triển, vì vậy chúng ta cũng phải thay đổi. Muốn thay đổi chúng ta phải có tri thức, muốn có tri thức chúng ta phải có sách, để sách thành tri thức thì phải đọc. Hệ thống khuyến nông hiện nay đang đổi mới để thực hiện sứ mệnh: “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, muốn như vậy chúng ta phải trở thành người khuyến nông chuyên nghiệp và chỉ có kiến thức mới trở thành người khuyến nông chuyên nghiệp. Cán bộ khuyến nông cần đọc để đổi mới, để thay đổi chính mình. Cán bộ khuyến nông cần đọc rộng để giúp nông dân tiếp nhận tri thức, tiếp cận văn hóa đọc. Chính thức phát động tuần lễ đọc sách trong hệ thống khuyến nông Việt Nam, ông Thanh hi vọng, không chỉ tuần lễ này mà văn hóa đọc sau này sẽ hình thành trong hệ thống khuyến nông, để khuyến nông hoàn thành sứ mệnh: “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông” và “Đọc để đổi mới, sáng tạo”.

leftcenterrightdel
Giám đốc TTKNQG tặng sách cho Vụ trưởng Vụ HTQT và Phó Tổng BT Báo NN 

Đỗ Tuấn - Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

leftcenterrightdel
 

Xem thêm tin trên các báo:

Báo Nhân dân

Báo Dân Việt

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Thông tấn xã Việt Nam

Báo Dân tộc và Phát triển