Mục đích của Chương trình nhằm tăng cường phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nông nghiệp và PTNT để phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng của hai ngành, nhằm phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bao trùm, đa giá trị, hiệu quả và bền vững. Đồng thời, phù hợp với nhu cầu thị trường trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên về nông nghiệp, làng nghề, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn và các giá trị văn hóa đặc trưng vùng, miền.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi làm việc

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới do ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương trình bày nêu rõ, theo thống kê đến nay đã có 584 mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đang hoạt động và nằm trong kế hoạch hỗ trợ của các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT đã phê duyệt danh mục 20 mô hình thí điểm về du lịch nông nghiệp, nông thôn để triển khai đến năm 2025.

Để nâng cao năng lực, phát triển nguồn nhân lực, nhiều hội nghị, các lớp tập huấn… đã được tổ chức cho cán bộ quản lý chương trình và chủ cơ sở làm du lịch nông thôn. Tuy nhiên, việc triển khai chương trình còn gặp một số khó khăn như sự chủ động của các ngành tại một số địa phương còn hạn chế, do đó công tác ban hành kế hoạch còn chậm; khó khăn về tiếp cận, thực hiện các giải pháp, đặc biệt là công tác đánh giá tài nguyên, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc…; thiếu công tác quy hoạch du lịch nông nghiệp, nông thôn; mô hình du lịch nông thôn còn tự phát, manh mún... dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và quảng bá du lịch.

Ngoài ra, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng còn một số hạn chế về chất lượng dịch vụ, nhiều địa phương chỉ cung cấp dịch vụ trải nghiệm và tham quan trong ngày với tính chất đơn giản.

Theo ông Nguyễn Lê Phúc - Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, căn cứ đặc trưng địa bàn hoạt động tại khu vực nông thôn, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng địa bàn, tuyến điểm du lịch trong kết nối đô thị với nông thôn, trung tâm du lịch với các điểm vệ tinh, qua đó góp phần đa dạng điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam, kéo dài thời gian lưu trú của khách nhờ sản phẩm dịch vụ du lịch và điểm đến tại khu vực nông thôn.

Trên cơ sở báo cáo của 63 Sở quản lý nhà nước về du lịch các tỉnh, thành phố, cả nước hiện có 488/1731 khu, điểm du lịch đã được công nhận theo quy định của Luật Du lịch 2017, trong đó có khoảng 80% điểm du lịch nằm trên địa bàn nông thôn (382 điểm)...

Về khai thác đa dạng tài nguyên du lịch gắn với giá trị đặc sắc của khu vực nông nghiệp, nông thôn, hệ thống sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn ngày càng đa dạng phong phú, nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước. Nhiều địa phương trong cả nước khai thác các thế mạnh về giá trị văn hóa truyền thống, hoạt động sản xuất canh tác nông nghiệp, đặc sản địa phương, cảnh quan thiên nhiên, lễ hội, làng nghề truyền thống, ẩm thực... tạo nên các sản phẩm dịch vụ du lịch có tính đặc thù, chuyên biệt cao. Hoạt động quảng bá và xây dựng thương hiệu điểm đến cũng được đầu tư mạnh, như Lễ hội trái cây ở TP.Hồ Chí Minh và ĐBSCL, Lễ hội Cà phê Tây Nguyên, Sắc vàng Tam Cốc ở Ninh Bình, và Ruộng bậc thang - Mùa lúa chín Tây Bắc. Dự kiến sẽ tổ chức Festival Sâm Ngọc Linh vào tháng 10/2024.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được quan tâm. Nhiều sản phẩm OCOP được lựa chọn trong cung ứng sản phẩm du lịch như ẩm thực, mua sắm, chăm sóc sức khỏe, quà tặng khách, được sử dụng để trưng bày, xúc tiến quảng bá cho gian hàng, giới thiệu điểm đến... Sản phẩm OCOP đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút du khách, nâng cao chi tiêu của khách du lịch. Nhiều địa phương, người dân tham gia hoạt động du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, mạng xã hội cho việc khai thác, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua lĩnh vực du lịch nông nghiệp, nông thôn đã có hướng đi đúng, đạt được nhiều kết quả với nhiều dư địa phát triển.

Theo Bộ trưởng, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ chiều sâu của văn hóa, cộng đồng làng xã. Một điều đáng mừng là thời gian qua những người nông dân đã thấy được, biến tiềm năng lợi thế của địa phương trở thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn. Nhờ du lịch nông nghiệp, nông thôn mà đời sống của người dân từng bước được cải thiện, nâng cấp. Chính những người dân đã chịu khó tìm tòi, học hỏi cả về ngoại ngữ, công nghệ để có thể sáng tạo trong việc quảng bá sản phẩm du lịch của mình đến nhiều đối tượng hơn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thời gian qua vẫn chưa phát huy hết những dư địa sẵn có, một phần nguyên nhân là vì một số địa phương vẫn chưa thể hiện được vai trò dẫn dắt trong việc ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ khiến người dân. Vấn đề thứ hai là trong quá trình phát triển thì phải có sự liên doanh, liên kết, ngoài vai trò "bà đỡ" của Nhà nước thì phải có sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp du lịch. Thế nhưng, ở đâu đó vẫn có tư tưởng trông chờ, không chịu khó tìm tòi, kết nối khiến các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhỏ lẻ, khó có điều kiện để cạnh tranh.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho rằng sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn bắt đầu từ chiều sâu của văn hóa, cộng đồng làng xã

Phát biểu tại buổi làm việc, lấy ví dụ từ tư duy về mô hình và cách làm du lịch nông nghiệp Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần mở rộng bản đồ du lịch quốc gia, không chỉ dừng ở những địa danh đã nổi tiếng như Hạ Long, Phú Quốc… ra miền không gian rộng lớn của nông thôn, di sản phi vật thể, nơi những người nông dân đang lặng lẽ bồi đắp sức sống cộng đồng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan kỳ vọng du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể giúp định hình và thu hút tình yêu của thế hệ tương lai đối với nông nghiệp, nông thôn, cội nguồn và giá trị vô hình. “Dù có những nghị quyết, chính sách được ban hành nhưng hai Bộ cần ngồi với nhau để viết lại câu chuyện, xây dựng một phiên bản mới dựa trên nền tảng đã có của tri thức bản địa, homestay, farmstay…từ đó xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp và hướng dẫn tới địa phương, trang trại…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan kỳ vọng du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể giúp định hình và thu hút tình yêu của thế hệ tương lai đối với nông nghiệp, nông thôn

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cùng thống nhất, cần có cái bắt tay chặt hơn nữa giữa hai Bộ để tập trung tháo gỡ vấn đề, nhất là những vấn đề ở tầm vĩ mô để cùng thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

leftcenterrightdel
 Hai Bộ ký kết chương trình phối hợp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

BBT