Tổng thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn toàn tỉnh Nam Định ước khoảng 1.142.371,54 triệu đồng, trong đó thiệt hại về nông nghiệp của tỉnh: Diện tích lúa bị ảnh hưởng là 27.085 ha, ước giá trị thiệt hại 435.185 triệu đồng; Tổng diện tích rau màu bị thiệt hại 1.671 ha, ước giá trị thiệt hại là 126.581 triệu đồng (diện tích thiệt hại hoàn toàn là 1.173,7 ha); Số lượng cây xanh bị thiệt hại do ngập nước là 3.819 cây, ước giá trị thiệt hại 8.862 triệu đồng; Số lượng hoa, cây cảnh các loại bị thiệt hại 424.793 chậu, cây, ước giá trị thiệt hại 218.581 triệu đồng. Về chăn nuôi có 42.118 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi bị hư hỏng, ước thiệt hại 7.345 triệu đồng. Về thủy sản, ước giá trị thiệt hại khoảng 135.667 triệu đồng (bao gồm diện tích nuôi cá truyền thống, diện tích nuôi cá – lúa, nuôi hồ mặt nước lớn, diện tích nuôi tôm, diện tích nuôi ngao và lồng, bè nuôi thủy sản các loại).

 

Ngay sau mưa lũ, hệ thống khuyến nông Nam Định đã tập trung thực hiện nghiêm các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, của tỉnh và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả.

 

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Nam Định đã quyết liệt chỉ đạo, đề ra các giải pháp cụ thể, công việc cụ thể triển khai đến từng bộ phận của Trung tâm; phân công từng bộ phận huy động tối đa viên chức của Trung tâm tới các xã tham gia, phối hợp người dân khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

 

Về trồng trọt, cán bộ kỹ thuật khuyến nông tỉnh phụ trách địa bàn cụ thể của từng huyện, từng xã, thị trấn phối hợp với cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, thành phố và tổ khuyến nông cộng đồng đã tiến hành đánh giá mức độ thiệt hại, đề xuất giải pháp khắc phục, khôi phục sản xuất đối với từng cây trồng cụ thể, ưu tiên lựa chọn những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, ngắn ngày để đảm bảo an toàn, hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp. Triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật giúp nông dân sớm khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Theo dõi, đánh giá tình hình và mức độ thiệt hại của từng loại cây trồng để có giải pháp chỉ đạo, tư vấn cụ thể với từng cây trồng, từng hộ dân:

 

+ Đối với diện tích lúa đã trỗ bông và bị đổ thực hiện buộc, dựng để cho cây đứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc, chín. Diện tích lúa đang làm đòng, chuẩn bị trỗ bông, khoanh vùng và ưu tiên tiêu thoát nước kịp thời không để thời gian ngập đòng lâu, cây lúa sẽ ung thối đòng.

 

+ Đối với rau, màu: Tập trung tiêu thoát nước, tranh thủ thu hoạch diện tích đã đến thời kỳ thu hái, đảm bảo năng suất và chất lượng. Những diện tích không có khả năng phục hồi: Sau khi nước rút tiến hành thu gom tiêu hủy, vệ sinh đồng ruộng. Chủ động gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ăn lá nhằm cung cấp rau kịp thời cho thị trường. Những diện tích thiệt hại nhẹ: cắt tỉa các thân cành đã bị dập, gãy, xới xáo, vun gốc dựng cây.

 

+ Các địa phương mở rộng phát triển cây vụ Đông để bù lại thiệt hại. Mở rộng diện tích gieo trồng các cây vụ Đông (bí xanh, ngô, cà chua, khoai tây, dưa chuột, đậu tương, rau ăn lá...).

 

Về chăn nuôi, cán bộ kỹ thuật khuyến nông tỉnh phụ trách địa bàn cụ thể của từng huyện, từng xã, thị trấn phối hợp với cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và tổ khuyến nông cộng đồng thống kê thiệt hại, hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi của địa phương. Tiến hành hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiến hành xử lý môi trường chăn nuôi, xử lý xác gia cầm chết theo đúng quy định, tiến hành vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, hệ thống bể nước, dụng cụ chứa nước, sửa chữa gia cố chuồng trại. Đồng thời trực tiếp hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi, khu vực chăn nuôi (02 lần/tuần) bằng các loại hóa chất khử trùng (Iodine, Benkocid…) và rắc vôi bột lối đi lại, hành lang, đường đi…Hướng dẫn các hộ chăn nuôi việc chăm sóc nuôi dưỡng đàn vật nuôi như đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, ấm áp, cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn cụ thể. Để nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi, nhóm đã hướng dẫn các hộ chăn nuôi bổ xung vitamin, B-Complex, men tiêu hóa vào thức ăn, nước uống theo khuyến cáo của nhà sản xuất; Kiểm tra nếu đàn vật nuôi chưa được tiêm vắc-xin thì tiến hành tiêm bổ sung luôn.

 

Thực hiện phương châm nước rút đến đâu khôi phục sản xuất, tái đàn tới đó: Hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiến hành tái đàn khi chuồng trại, cơ sở chăn nuôi đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Để có nguồn giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đạt tiêu chuẩn giống, nhóm đã hướng dẫn, kết nối các cơ sở chăn nuôi với các đơn vị cung ứng giống trong và ngoài tỉnh như: Công ty Cổ phần Gà giống Châu Thành, Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh, Trung tâm Vịt Đại Xuyên, Viện Chăn nuôi, Công ty TNHH Lợn giống hạt nhân Dabaco… Tiến hành tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học và biện pháp xử lý môi trường sau bão lũ cho hơn 100 lượt người.

 

Trong lĩnh vực thủy sản, phân công cán bộ kỹ thuật khuyến nông tỉnh phụ trách địa bàn cụ thể của từng huyện, từng xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện, thành phố, khuyến nông xã và tổ khuyến nông cộng đồng đánh giá mức độ thiệt hại, đề xuất giải pháp khắc phục, khôi phục sản xuất đối với những diện tích bị bão, lũ ảnh hưởng. Tổ chức lực lượng khuyến nông tỉnh, huyện, xã, hợp tác xã nuôi trồng thuỷ sản, tổ khuyến nông cộng đồng đến từng địa bàn, từng hộ dân bị ảnh hưởng, thiệt hại để hướng dẫn, hỗ trợ khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất:

 

+ Hướng dẫn các hộ dân nuôi ngao vùng bãi triều thu dọn chòi canh, các vật dụng bị hư hỏng, rác, xác ngao để tránh làm ô nhiễm môi trường.

 

+ Đối với những ao đầm nuôi bị ngập: Cán bộ khuyến nông hướng dẫn hộ dân khẩn trương bơm tiêu nước sau bão, lũ. Tiến hành tẩy vôi bột, sát khuẩn nước ao đầm nuôi. Đánh giá sản lượng thuỷ sản trong ao còn lại để xây dựng khẩu phần chăm sóc, không để dịch bệnh xảy ra sau bão lũ. Phối hợp với các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố lồng ghép nội dung tập huấn khắc phục hậu quả bão lũ trong nuôi trồng thuỷ sản và khôi phục sản xuất

 

Để kịp thời hướng dẫn các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh Trung tâm Khuyến nông Nam Định đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố chuyển các loại tờ gấp hướng dẫn biện pháp khắc phục thiệt hại và khôi phục sản xuất qua nhóm zalo của hệ thống khuyến nông tỉnh. Đồng thời trực tiếp in và cấp phát tờ rơi tới các hộ dân trên địa bàn toàn tỉnh.

TTKN Nam Định