leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị

Thứ trưởng thông tin, ngay từ đầu năm toàn ngành nông nghiệp, nông thôn đã tích cực triển khai nhiệm vụ trọng tâm thực hiện kế hoạch năm 2024; trong đó, tập trung triển khai các biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, chuẩn bị đủ hàng hóa lương thực thực phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phối hợp điều tiết bình ổn giá cả thị trường… phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản bảo đảm ổn định, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, giảm thiểu tối đa thiệt hại; bảo đảm tốt cung ứng hàng hóa, nhất là lương thực thực phẩm và đặc sản phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân.  

Một số kết quả nổi bật trong tháng đầu năm 2024:

Sản xuất nông lâm thủy sản:

- Trồng trọt: Tính đến trung tuần tháng 1, cả nước gieo cấy 1,87 triệu ha, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước (CKNT). Diện tích lúa thu hoạch 356,8 nghìn ha, giảm 7,4%; năng suất bình quân 50,2 tạ/ha, tăng 2,7 tạ/ha; sản lượng ước trên diện tích thu hoạch gần 1,8 triệu tấn, giảm 2,2%.

- Chăn nuôi: Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt, người nuôi mở rộng quy mô đàn, chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán. Tính đến thời điểm cuối tháng 01, đàn trâu giảm khoảng 1,2%, đàn bò tăng khoảng 0,4%; đàn lợn tăng khoảng 4,1%, đàn gia cầm tăng khoảng 3,6% so với CKNT.

- Lâm nghiệp: Các địa phương ươm và chăm sóc cây giống, xử lý thực bì để phục vụ trồng cây phân tán và trồng rừng. Tính trong tháng 01, cả nước chuẩn bị được 87 triệu cây giống; trồng được 7,8 nghìn ha rừng, giảm 3,5% so với CKNT; sản lượng gỗ khai thác 1.030,5 nghìn m3, tăng 3,6%. Tháng 01, thu 140,41 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 4,3% kế hoạch năm.

- Thủy sản: Sản lượng tháng 01/2024: 590 nghìn tấn, tăng 3,1% so với CKNT. Trong đó:  Khai thác: 276,8 nghìn tấn, tăng 4,6% (trong đó, khai thác biển đạt 258 nghìn tấn, tăng 4,5%); nuôi trồng: 313,3 nghìn tấn, tăng 1,9% (trong đó, cá tra 96,7 nghìn tấn, tăng 2,2%; tôm 44,6 nghìn tấn, tăng 3,7%). 

Tiêu thụ nông lâm thủy sản: Tháng 01/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) NLTS 5,14 tỷ USD, tăng 79,2% so với CKNT; nhập khẩu 3,72 tỷ USD; xuất siêu 1,43 tỷ USD tăng hơn 4,6 lần so với CKNT.

Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm: Đến nay, có 2.510 chuỗi được kiểm soát và duy trì. Phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát về ATTP, đặc biệt tại các chợ đầu mối, cơ sở kinh doanh phục vụ Tết Nguyên đán.

Thứ trưởng đề nghị một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới như sau:

Trồng trọt: Theo dõi sát tình hình thời tiết khí tượng, thủy văn để chỉ đạo thời vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp. Chỉ đạo chăm sóc lúa vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam. Các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ chủ động lấy và giữ nước trên đồng ruộng, chăm sóc tốt và tăng cường phòng chống rét cho mạ, lúa vụ Đông Xuân; đồng thời, chủ động phòng chống rét cho mạ, lúa mới cấy. Tăng cường công tác bảo vệ thực vật, tổ chức trực ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch và kịp thời xử lý các vùng dịch phát sinh; lưu ý các sinh vật gây hại trên lúa và cây trồng khác (ngô, rau màu, sắn, điều, hồ tiêu, cà phê, thanh long, cây có múi...)

Chăn nuôi: Chỉ đạo, kiểm tra các địa phương thực hiện các biện pháp tăng cường phòng chống đói, rét và dịch bệnh trên đàn vật nuôi; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi, đảm bảo nguồn cung thực phẩm; hỗ trợ tiêu thụ, lưu thông sản phẩm chăn nuôi đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội đầu năm.

Thuỷ sản: Theo dõi diễn biến thời tiết và tình hình khai thác hải sản trên các vùng biển để kịp thời hỗ trợ ngư dân yên tâm sản xuất an toàn, hiệu quả. Tổ chức tốt lễ ra quân, cầu ngư sau tết Nguyên đán tại một số tỉnh; đồng thời tuyên truyền, phản ánh kịp thời các mô hình khai thác hải sản hiệu quả trong dịp Tết Nguyên đán.

Lâm nghiệp: Theo dõi, đôn đốc các địa phương chuẩn bị đủ cây giống, hiện trường để trồng rừng theo kế hoạch, chủ động kiểm soát chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp; tổ chức Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024.

Hợp tác quốc tế, phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản: Phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; trong đó, tập trung vào các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... Tận dụng các FTAs, đặc biệt là Hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng NLTS chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài. Theo dõi, nắm bắt tình hình giá cả, nguồn cung các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, báo cáo Tổ điều hành Thị trường trong nước và Ban Chỉ đạo giá của Chính phủ; đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Phối hợp với các địa phương hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.

Quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm: Đôn đốc, hỗ trợ các địa phương triển khai Đề án Đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng NLTS giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2024 đúng tiến độ; Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục nhân rộng số lượng, mở rộng quy mô chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; xây dựng các chuỗi cung ứng ngành hàng, chuỗi giá trị nông lâm thủy sản tại địa phương (từ vùng nguyên liệu, nhà máy, chợ/ trung tâm thương mại, xuất khẩu). Chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiệm cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm quy định về chất lượng, ATTP; đàm phán giải quyết các rào cản kỹ thuật mở rộng thị trường tiêu thụ NLTS tại thị trường trong nước và quốc tế.

Đỗ Tuấn - Thu Hằng