Tọa đàm được tổ chức để các nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân trong vùng thảo luận, trao đổi nhằm nâng cao kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, tận thu giá trị sản xuất nông nghiệp từ việc xử lý chế biến các loại phế phụ phẩm, chất thải của quá trình sản xuất góp phần giảm phát thải khí nhà kính.

Tham dự tọa đàm có trên 100 đại biểu là đại diện lãnh đạo, cán bộ đến từ các cơ quan ban ngành liên quan, tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) và nông dân các huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh tọa đàm 

Các chuyên gia và đại biểu đã nghe 01 báo cáo đề dẫn, 04 báo cáo tham luận và cùng nhau thảo luận, trao đổi, chia sẻ, đề xuất các giải pháp kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến, xử lý chất thải và phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho vật nuôi; giải pháp quản lý sản xuất giảm phát thải khí nhà kính; giải pháp đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…

Để giảm phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi, Ts Lê Minh Lịnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo người sản xuất, các cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt một số công việc như sau:

- Quản lý chất thải chăn nuôi thông qua các chính sách hỗ trợ biogas, các biện pháp thu gom và xử lý chất thải bằng vi sinh, ủ phân compost.

- Tăng cường ứng dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn, nước uống và xử lý chất thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường chăn nuôi.

- Xây dựng chuồng trại đảm bảo kỹ thuật, thuận lợi vệ sinh thu gom chất thải, ứng dụng đệm lót vi sinh trong chăn nuôi để giảm thải ô nhiễm môi trường đặc biệt là không khí.

- Tuyên truyền rộng rãi đến người chăn nuôi về các giải pháp, các biện pháp kỹ thuật để người chăn nuôi hiểu và áp dụng.

leftcenterrightdel
Các chuyên gia cùng trao đổi với đại biểu về giải pháp giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp

Đối với vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực trồng trọt, các chuyên gia khuyến nghị: Tăng cường thực hiện canh tác nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, giảm thiểu tối đa việc sử dụng hoá chất, phân bón hóa học. Thực hiện canh tác tiết kiệm nước trong trồng lúa, kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ. Tận dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp, không đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Đào tạo khuyến nông, tổ chức các sự kiện khuyến nông để truyền thông về các mô hình. Phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng và nhân rộng các mô hình giảm phát thải khí nhà kính.    Phối hợp với các doanh nghiệp để chuyển giao các mô hình sản xuất nhằm giảm lượng giống, phân bón.

Kết luận tọa đàm, Ts Lê Minh Lịnh đánh giá nội dung tọa đàm sát với thực tế sản xuất tại địa phương; những phương pháp, kinh nghiệm được các chuyên gia chia sẻ là cơ sở thuận lợi cho việc thực hiện sản xuất nông nghiệp giảm phát thải tại địa phương. Ông đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí tích cực truyền thông về các giải pháp đã đề ra tại tọa đàm.

Nguyễn Văn Hưởng

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia