Tham dự tọa đàm có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lãnh đạo một số phòng/đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; Lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, phòng Kinh tế thành phố; Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố cùng 60 đại biểu là nông dân tiêu biểu và thành viên của các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Trước khi diễn ra chương trình tọa đàm, các đại biểu đã tham quan mô hình chăn nuôi trâu bò vỗ béo của hợp tác xã Đông Anh, thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng. Tại đây các đại biểu đã được ông Đinh Văn Đông, Giám đốc HTX Đông Anh giới thiệu mô hình nuôi bò vỗ béo theo hình thức nuôi nhốt. Đây đang là hướng đi có hiệu quả, lâu dài và bền vững trong phát triển kinh tế, dần thay đổi tập quán chăn nuôi gia súc từ nhỏ lẻ sang hàng hóa, từ thả rông sang nuôi nhốt, vừa bảo đảm phòng tránh dịch bệnh, vừa cải thiện môi trường, bước đầu mang lại tín hiệu tích cực, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo cho người dân.
|
|
Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo của Hợp tác xã Đông Anh tại thị trấn Thông Nông, huyện Hà Quảng |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã nghe 03 báo cáo về giải pháp thông tin thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao tính bền vững; thực trạng và giải pháp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Hòa; chia sẻ một số kinh nghiệm của HTX trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Tham dự và chủ trì buổi tọa đàm, bà Mã Thị Trà My - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Bằng đưa ra một số định hướng tham luận cho các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận xoay quanh các vấn đề như: Vốn đầu tư của hợp tác xã, người nông dân lao động, việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng liên kết; Những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp, người dân trong việc tiếp nhận thông tin về thị trường; Các chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp của tỉnh và sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội nhằm tìm ra các giải pháp thông tin thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao tính bền vững các mô hình khuyến nông trong thời gian tiếp theo.
Các ý kiến của đại biểu được Ban cố vấn là các chuyên gia đến từ Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và Chăn nuôi, Chi cục Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông và Giống Nông lâm nghiệp, Hợp tác xã Nông nghiệp Ba sạch Hưng Đạo giải đáp đầy đủ và thỏa đáng. Những nội dung đại biểu quan tâm là các cơ chế chính sách, các giải pháp về liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, thông tin thị trường được đưa ra trao đổi thảo luận… Tọa đàm đi đến thống nhất, đưa ra những giải pháp kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm như:
- Tập trung tuyên truyền vận động người dân từng bước thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tập trung, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm từ cá thể sang tập thể; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
- Giải pháp về cơ chế chính sách: Để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, các cấp, các ngành cần xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức thực hiện tốt chính sách trên địa bàn tỉnh, trong đó chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết bằng cách tăng cường kêu gọi đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản; khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng các mô hình chuỗi, đầu tư xây dựng siêu thị nông sản, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối.
- Giải pháp về ứng dụng khoa học kỹ thuật: Ưu tiên phát triển cây con chủ lực của tỉnh, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương gắn với triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng Nông thôn mới. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn... Tăng cường sản xuất theo quy chuẩn, chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, nhằm tạo được sức hút trong liên kết tiêu thụ sản phẩm.
- Giải pháp về thông tin thị trường: Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Giới thiệu, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm kiếm cơ hội đầu tư, liên doanh, liên kết tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tăng cường công tác đào tạo, từng bước xây dựng đội ngũ khuyến nông có khả năng thu thập, xử lý và phân tích thị trường nông sản tốt sẽ góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Kết luận tọa đàm, ông Đàm Đức Phúc - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp đánh giá tọa đàm đã đạt được mục tiêu đề ra. Các ý kiến đi thẳng vào vấn đề và cơ bản đã được các chuyên gia trong ban cố vấn giải đáp thỏa đáng. Các ý kiến của đại biểu được Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp tiếp thu tổng hợp và là căn cứ để tham mưu cho Sở xây dựng các chương trình, chiến lược cụ thể để đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, liên kết tiêu thụ sản phẩm nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương góp phần quan trọng vào việc hoàn thành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp của tỉnh đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đỗ Anh Hoàng
Trung tâm Khuyến nông và Giống NLN Cao Bằng