leftcenterrightdel
MELA được thành lập nhằm giúp các thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế tốt nhất trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn nông nghiệp, tiếp thị và phát triển nông thôn bền vững. Năm 2024, Việt Nam là nước đăng cai tổ chức Hội thảo MELA 

Tham dự hội thảo có đại diện các cơ quan khuyến nông, tổ chức xã hội, học giả, các tổ chức thanh niên đến từ các quốc gia dọc lưu vực sông Mê Kông như: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Khuyến nông thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.

MELA là Liên minh các tổ chức khuyến nông vùng sông Mê Kông được khởi xướng từ tháng 3/2015 tại Hà Nội - Việt Nam, bao gồm thành viên các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. MELA được thành lập nhằm giúp các thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế tốt nhất trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn nông nghiệp, tiếp thị và phát triển nông thôn bền vững.

Nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước thành viên MELA, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm cũng như mang lại sinh kế, thu nhập và việc làm cho nông dân trong vùng. Khuyến nông đang góp phần quan trọng vào sự thành công của ngành nông nghiệp của các nước thành viên MELA.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Tô Việt Châu chia sẻ, tại Việt Nam, ngành nông nghiệp tiếp tục đóng vai trò quan trọng, ghi nhận mức tăng trưởng ước tính toàn ngành là 3,8% vào năm 2023, cao nhất trong những năm gần đây. Những thành quả đạt được đó là nhờ hệ thống khuyến nông đã chủ động chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, tạo sự kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua hợp tác xã, các hình thức tổ chức nông dân khác.

Ngày nay, phát triển nông nghiệp không chỉ tập trung tăng năng suất, sản xuất nông nghiệp mà còn tìm cách tập trung đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao, thông minh, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cần cải thiện dự báo cung cầu, thông tin thị trường, kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng và tận dụng lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do để tái cơ cấu xuất khẩu.

Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Tô Việt Châu nhấn mạnh: Các nước thành viên MELA nói chung và các tổ chức khuyến nông quốc gia nói riêng có mối quan hệ hữu nghị và đối tác lâu đời, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực khuyến nông, phát triển nông thôn.

leftcenterrightdel
Ông Tô Việt Châu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phát biểu chào mừng 

Hội nghị này, các bên sẽ cùng nhau phân tích và đề xuất các giải pháp tốt nhất để giảm biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và thông tin trong nông nghiệp, đặc biệt là trong nông nghiệp.

Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức sản xuất, tổ chức hợp tác xã nông nghiệp, liên kết chuỗi sản xuất, những bài học kinh nghiệm hỗ trợ nông dân trong sản xuất nông nghiệp bền vững. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao sinh kế của người nông dân.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tin tưởng, sẽ có nhiều nỗ lực hợp tác hơn nữa giữa các nước thành viên MELA của Cộng đồng ASEAN để hỗ trợ khả năng phục hồi sản xuất và xây dựng sức mạnh của các cộng đồng nông thôn của các nước thành viên trước biến đổi khí hậu, tạo ra một khu vực nông thôn ASEAN thành công.

Kể từ khi thành lập, MELA đã được tổ chức tại Lào (2015), Myanmar (2016), Campuchia (2017), Thái Lan (2018), Việt Nam (2019). Từ năm 2020 – 2022, do đại dịch COVID-19, các cuộc họp thường niên của MELA bị dừng lại. Năm 2023 sau hội thảo tư vấn kỹ thuật được tổ chức ở Lào thì Ban Thư ký và các thành viên MELA đã thống nhất chọn Việt Nam là nước đăng cai Hội thảo MELA năm 2024.

leftcenterrightdel
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tặng quà lưu niệm cho các đại biểu tham dự Hội thảo 

Hội thảo lần này được tổ chức nhằm giúp các thành viên chia sẻ thông tin về những phát triển mới nhất trong dịch vụ tư vấn nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách nhất cho nông dân sản xuất nhỏ, đặc biệt là sinh thái nông nghiệp, biến đổi khí hậu và sử dụng số hoá, đồng thời tăng cường hơn nữa vài trò của Ban thư ký MELA và các thành viên để phát triển các chương trình của MELA trong thời gian sắp tới.

Các chủ đề thảo luận chính tại hội thảo gồm: Biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp; Nông nghiệp sinh thái; Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp; Kế hoạch hành động quốc gia của các nước thành viên; Điều lệ, Ủy ban và kế hoạch của MELA trong thời gian tới.

Văn Đức