Sau bão số 3, mưa to trên diện rộng khiến toàn bộ diện tích (8 sào) lúa của gia đình ông Đỗ Trọng Hiền ở thôn 5, xã Trung Môn, huyện Yên Sơn bị vùi dập, ngâm trong bùn, nước. Ông Hiền buồn rầu cho biết, sau khi nước rút toàn bộ diện tích lúa đang ngậm sữa coi như mất trắng không thể khôi phục được.

 

Theo số liệu của UBND huyện Yên Sơn, toàn huyện có 636,5 ha lúa, 560,4 ha cây trồng hằng năm (ngô, sắn, rau màu...); 378,3 ha cây ăn quả; 305,5 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp khắc phục đối với diện tích lúa, ngô bị ngập khi nước rút và lúa bị gió quật đổ, đồng thời thu hoạch những phần lúa đã chín và gần chín. Đối với một số diện tích ngô, hướng dẫn bà con khơi thông, tạo rãnh thoát nước, tháo cạn nước ruộng, xới xáo nhẹ mặt luống, vun gốc, đợi khi cây phục hồi thì chăm bón. Đối với diện tích cây ăn quả, những vườn bị ngập úng, khi đất khô ráo cần xới nhẹ phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.

leftcenterrightdel

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn tỉa cành bưởi sau ngập tại hộ ông Phùng Văn Quý 

 

Huyện Sơn Dương có hơn 3.900 ha cây trồng bị ảnh hưởng do bão, trong đó có 1.926 ha lúa; 1.236 ha cây trồng hàng năm (ngô, sắn, mía, rau màu…), 140 ha cây ăn quả và gần 600 ha cây lâm nghiệp... Ngay sau khi nước rút, huyện chỉ đạo phòng nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và các địa phương hướng dẫn nông dân khẩn trương triển khai các biện pháp tiêu úng, dựng lúa bị đổ, phục hồi diện tích rau, màu, cây ăn quả...

 

Gia đình ông Phùng Văn Quý, xã Văn Phú, huyện Sơn Dương có 400 gốc bưởi Đường, bưởi Diễn 12 năm tuổi được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến năm nay cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng, tuy nhiên do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên hơn 300 gốc bưởi của gia đình ông bị ngập và khoảng hơn 20.000 quả bưởi bị rụng. Thời điểm này, khi nước rút, gia đình tập trung dọn dẹp, vệ sinh quả rụng, cắt tỉa cành gẫy, bón vôi, xới phá váng xung quanh gốc để cây hồi phục.

leftcenterrightdel
Ddo ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 nên hơn 300 gốc bưởi của gia đình ông Quý bị ngập và khoảng hơn 20.000 quả bưởi bị rụng (ảnh: Thành Lâm)

 

Tại xã Chi Thiết, Đông Thọ huyện Sơn Dương, có 15 ha mía bị ngập nước. Những ngày này, cán bộ khuyến nông đang hướng dẫn người dân tiêu úng, cắt tỉa lá già, vệ sinh đồng ruộng, phòng, trừ sâu, bệnh...

 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 5.182,6 ha lúa bị vùi lấp, đổ, ngập úng; hơn 2.890 ha ngô, rau, màu bị thiệt hại; 1352,7 ha cây ăn quả và cây hàng năm bị ảnh hưởng, thiệt hại; 908,6 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại; 1.665 con gia súc và 20.072 con gia cầm bị chết; 660 ha ao cá bị ngập, tràn bờ; 466 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi…

 

Ngành nông nghiệp đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp với các địa phương bám sát thôn, bản để hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân vệ sinh nhà cửa, ruộng vườn và triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý, khắc phục để nhanh chóng khôi phục sản xuất.

leftcenterrightdel

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn nông dân phun khử trùng chuồng nuôi sau ngập lụt tại xã Lực Hành, huyện Yên Sơn

 

Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch, khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện hỗ trợ người dân thu hoạch lúa. Ngay sau khi thu hoạch lúa sẽ làm đất, chuẩn bị giống, vật tư gieo trồng cây vụ đông nhằm bù đắp sản lượng và giá trị thiệt hại. Đối với diện tích cây ăn quả, những vườn bị ngập úng, thu dọn quả, vệ sinh vườn, khi đất khô ráo cần xới nhẹ phá váng lớp đất mặt (vùng tán cây) kết hợp bón vôi giúp đất thông thoáng, khắc phục tổn thương và tái sinh rễ mới.

 

Cùng với khắc phục các diện tích bị ngập úng, ngành nông nghiệp và các địa phương chuẩn bị đủ số lượng và chủng loại hạt giống rau, màu, sẵn sàng gieo trồng lại ngay khi thời tiết thuận lợi...

Vũ Ngọc Tuyên

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang