Nhìn chung kinh tế tập thể đang có những chuyển biến tích cực, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Nhiều HTX hoạt động có hiệu quả, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho thành viên, tổ viên.

Nhận thức đúng vai trò, vị trí, tầm quan trọng của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong phát triển kinh tế - xã hội, ngày 6/10/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số1626/QĐ-UBND, với mục tiêu phát triển Hợp tác xã cả về số lượng, quy mô thành viên, quy mô sản xuất kinh doanh, chất lượng hoạt động và đa dạng về loại hình.

leftcenterrightdel

Hội thảo nhân rộng mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau xanh (cải thảo) được cấp giấy chứng nhận VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm tại HTX Nông nghiệp - Dược liệu - Dịch vụ thương mại Thịnh Phát , xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông 

Nhằm góp phần vào sự phát triển kinh tế tập thể tại địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã:

- Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật đến người dân, thông qua các lớp tập huấn, hội thảo, diễn đàn đã và sẽ lồng ghép tuyên truyền, vận động, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế tập thể, những lợi ích khi tham gia liên kết đến tận người dân nhằm khuyến khích các hộ gia đình tham gia liên kết chuỗi, hợp tác xã, tổ hợp tác.

- Lồng ghép các chương trình, dự án khuyến nông để các hợp tác xã tăng cường phát triển, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất. Các hoạt động Khuyến nông cung cấp dịch vụ cho các thành viên HTX, các tiến bộ kỹ thuật mới về trồng trọt và chăn nuôi, quy trình sản xuất thực hành hữu cơ, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong nông sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm, sản xuất an toàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, sản xuất hữu cơ, sản suất theo quy trình VietGAP,... sản xuất hàng hóa chất lượng cao có liên kết gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy phát triển sản xuất, từ đó góp phần phát triển kinh tế hơp tác, hợp tác xã.

- Đồng hành, hỗ trợ hợp tác xã trong chuyển đổi số:

+ Xây dựng chuyển giao mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp thông qua tác động kỹ thuật số đồng bộ trong các khâu từ sản xuất đến tiêu dùng. Chú trọng tổ chức sản xuất thông qua tư vấn hỗ trợ hợp tác xã trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp với yêu cầu của thị trường, thời vụ và thực tế sản xuất của địa phương. Tư vấn, hỗ trợ áp dụng quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của HTX về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm.

+ Tư vấn, hướng dẫn các hợp tác xã ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng, đăng ký mã số vùng trồng; ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận trực tiếp với khách hàng, hiểu và nắm rõ nhu cầu, xu hướng tiêu dùng của thị trường để tổ chức sản xuất hiệu quả và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hướng dẫn sử dụng nền tảng số trong quản lý các hoạt động của hợp tác xã.

Riêng trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp - Dược liệu – Dịch vụ thương mại Thịnh Phát triển khai xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất rau xanh cải thảo được cấp giấy chứng nhận VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm với quy mô 18ha, 36 hộ tham gia. Xây dựng mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc tại xã Tân Thành và xã Nâm Nung huyện Krông Nô với quy mô 10 ha, 10 hộ tham gia. Thông qua các mô hình đã thay đổi tư duy sản xuất canh tác của người dân từ tự phát, thiếu liên kết sang tư duy sản xuất theo hướng tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu nhà máy chế biến góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Tổ chức 03 cuộc Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề “Phát triển cây sầu riêng, chanh leo gắn với mã số vùng trồng” với tổng số người tham gia 800 người (hộ nông dân, tổ viên tổ hợp tác, thành viên Hợp tác xã là 680 người). Thông qua các Diễn đàn đã chia sẻ cho người dân các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật của Nhà nước về phát triển cây sầu riêng, chanh leo; lợi ích của liên kết sản xuất, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã để diện tích sản xuất đủ đăng ký mã số vùng trồng và thực hiện sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra đơn vị đã tổ chức các lớp tập huấn cho tổ viên hợp tác, thành viên HTX nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật nâng cao chất lượng sản xuất, sản phẩm nông nghiệp và phát triển bền vững, giúp người học tiếp cận các kiến thức về công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp thông minh, hướng dẫn các bước xây dựng mã số vùng trồng, các bước thực hiện đăng ký cấp tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông nghiệp. Trung tâm Khuyến nông tổ chức tập huấn cho nông dân, các thành viên HTX về ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử và cập nhật kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao trong lĩnh vực trồng trọt

Vai trò của khuyến nông trong thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể càng thể hiện rõ khi tham gia Tổ Khuyến nông cộng đồng. Vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, Trung tâm Khuyến nông đã tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập thí điểm hai Tổ Khuyến nông cộng đồng tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song và xã Đăk Rmoan, TP. Gia Nghĩa. Tổ Khuyến nông cộng đồng với thành phần nòng cốt là khuyến nông cơ sở đang và sẽ thực hiện vai trò hỗ trợ phát triển hợp tác xã; hỗ trợ thị trường và liên kết chuỗi giá trị.

Nguyễn Thị Hoài Thanh

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông