Đến nay, toàn tỉnh Bắc Kạn có 358 hộ dân chăn nuôi trong 108 thôn của 38 xã ở 7 huyện, thành phố xảy ra dịch tả lợn châu Phi, với số lợn bệnh tiêu hủy gần 1.400 con, tổng trọng lượng gần 54 tấn. Duy chỉ còn huyện Pác Nặm chưa xuất hiện bệnh dịch này.
Nguyên nhân xảy ra dịch bệnh được xác định do người dân chủ quan trong phát triển chăn nuôi, đặc biệt trong điều kiện chăn nuôi nông hộ, người dân không áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Bên cạnh đó, từ các năm 2019, 2020, 2021, hầu như các xã trên địa bàn tỉnh đều đã có những ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi, nên đến nay mầm bệnh đã có sẵn trong tự nhiên.
Thời điểm tháng 4 là thời điểm giao mùa, mùa mưa là điều kiện thuận lợi để bệnh dịch tái phát. Hơn nữa, cuối tháng 4, vấn đề tái đàn tăng, giao thương tăng, nhất là giá lợn hơi cũng nhích lên càng kích thích người dân tái đàn, tăng cường giao thương.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn, ngay từ tháng 1/2024, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành phương án phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn và động vật thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có dịch tả lợn châu Phi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã có chỉ đạo phun thuốc khử trùng dịp trước và sau Tết nguyên đán nhằm giảm thiểu tất cả các mầm bệnh.
Cuối tháng 4 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn tiếp tục ban hành văn bản chỉ đạo các huyện, thành phố và các cơ quan chuyên ngành thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt chú ý từ vấn đề quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, mua bán con giống, đến các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh trước khi nhập lợn về cung cấp cho người dân phải đảm bảo lợn được tiêm phòng đầy đủ...
Nhận định thời gian tới dịch tả lợn châu Phi vẫn có thể có chiều hướng gia tăng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Kạn đang tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành văn bản chỉ đạo về phòng, chống dịch bệnh dịch này và tăng cường tập huấn cho lực lượng thú y viên cơ sở./.
TTXVN