Ông Phạm Hùng Tiến, ở thôn Phú Lộc, xã Thọ Phong phát hiện đàn lợn của gia đình có biểu hiện bỏ ăn, nhận thấy có triệu chứng giống mắc dịch bệnh tả lợn Châu Phi nên đã chủ động báo tin cho thú y, chính quyền địa phương, để lấy mẫu, gửi đi xét nghiệm. Ngày 9/7/2025, mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Tiến cho biết: Chuồng trại của gia đình có 7 con lợn nái 22 tháng tuổi, mỗi con có trọng lượng bình quân 119 kg, với tổng trọng lượng 833kg đã bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi, mặc dù bị thiệt hại về kinh tế, nhưng gia đình đồng ý với chính quyền tiến hành tiêu hủy cả đàn lợn theo đúng qui định phòng chống dịch bệnh”.
Thôn Phong Niên Thượng là thôn có số lượng đàn lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi nhiều nhất ở địa phương. Toàn thôn có 21 hộ chăn nuôi bị thiệt hại, với gần 60 con lợn nái, 45 con lợn thịt và 19 lợn con bị nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi.
Ông Ngô Thanh Phương – Giám đốc Trung tâm cung ứng dịch vụ công xã Thọ Phong cho biết: Từ ngày 7/7/2025 đến chiều ngày 13/7/2025, toàn xã Thọ Phong có 25 hộ chăn nuôi có đàn lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi, tổng số lợn chết và tiêu hủy 106 con, với tổng trọng lượng 10.470 kg. Trước tình hình dịch bệnh tả lợn Châu Phi xảy ra tại địa phương, Trung tâm cung ứng dịch vụ công xã đã phối hợp với Phòng Kinh tế xã và các trưởng thôn tổ chức tiêu hủy một số đàn lợn bị dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Đồng thời, đối với lợn đang có triệu chứng bệnh, cán bộ, viên chức của Trung tâm cung ứng dịch vụ công xã giám sát theo dõi chặt chẽ, hướng dẫn hộ các biện pháp chăm sóc và tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi. Thực hiện tiêm phòng vắc xin dịch tả lợn Châu Phi 60 liều. Trung tâm cung ứng dịch vụ công đã phối hợp tuyên truyền, công khai số điện thoại của lực lượng chuyên môn để các hộ chăn nuôi biết và báo cáo kịp thời khi có ổ dịch xảy ra.
    |
 |
Phun thuốc tiêu độc khử trùng môi trường khu vực chuồng nuôi |
Ông Bùi Tiến Dũng – Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Phong cho biết: Trước tình hình bệnh dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, UBND xã tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho các hộ chăn nuôi cách phòng, chống dịch bệnh; thông báo thường xuyên trên hệ thống loa truyền thanh ở địa phương về các văn bản, giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, UBND xã đã kịp thời thành lập Tổ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn xã Thọ Phong (gọi tắt là Tổ kiểm tra), gồm 1 Tổ trưởng, 2 Tổ phó và các thành viên là chuyên viên Phòng Kinh tế xã, viên chức của Trung tâm cung ứng dịch vụ công xã, thôn trưởng, lực lượng Dân quân Thường trực xã, Tổ an ninh cơ sở, các thú y viên trên địa bàn xã. Tổ kiểm tra thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường, lấy mẫu chẩn đoán gia súc, gia cầm mắc bệnh gửi xét nghiệm, kiểm tra lập biên bản chẩn đoán lâm sàng, đề xuất tiêu hủy số gia súc, gia cầm mắc bệnh chết, tổ chức tiêm phòng vắc xin; hướng dẫn, đôn đốc người chăn nuôi thực hiện dọn dẹp vệ sinh chuồng trại, khu vực nuôi nhốt, thực hiện rải vôi khu vực chuồng nuôi; phun thuốc khử trùng tiêu độc khu vực chuồng nuôi với tần suất 1 ngày/ 1 lần trong tuần đầu tiên, 2-3 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo và để tiêu diệt mầm bệnh. Tham mưu giúp UBND xã tổ chức thống kê, rà soát tổng đàn gia súc, gia cầm tại địa bàn quản lý, trên cơ sở đó xác định nhu cầu ố lượng vắc xin để tiêm phòng bao vây tại ổ dịch và các khu vực xung quanh,….
    |
 |
Lực lượng chức năng vận chuyển heo bị dịch bệnh tả lợn Châu Phi để đem đi tiêu hủy |
Với những việc làm cụ thể ngay từ khi bệnh dịch tả lợn Châu Phi bắt đầu bùng phát cùng các giải pháp trọng tâm ở địa phương trong công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn Châu Phi sẽ góp phần kiểm soát được dịch bệnh, giảm thiểu thấp nhất về kinh tế cho các hộ dân chăn nuôi trên địa bàn xã.
Kim Cúc