Trong lĩnh vực trồng trọt, đã có một số diện tích có hệ thống camera giám sát và thiết bị cảm biến tự động kết nối điện thoại thông minh để điều khiển bón phân, tưới nưới tự động từ xa; một số diện tích thủy sản có hệ thống quan trắc, cho ăn, điều chỉnh tự động kết nối điện thoại thông minh... Thực tế đã cho thấy, chuyển đổi số là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể; chuyển đổi số kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra. Năm 2021, Hải Dương là nơi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng nặng nề nhất trong cả nước. Trong thời điểm đó, Hải Dương có khối lượng rất lớn sản phẩm nông nghiệp cần tiêu thụ, đặc biệt là sản phẩm cây rau màu vụ đông nhưng lại gặp vô vàn khó khăn do lưu thông hàng hóa bị tắc nghẽn vì các biện pháp phòng chống dịch. Trong bối cảnh đó, chính nhờ ứng dụng chuyển đổi số đã góp phần quan trọng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Việc đưa các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh lên các nền tảng số như: báo điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… đã giúp cho nông sản tiêu thụ khá dễ dàng mà vẫn giữ được giá, đồng thời vẫn bảo đảm được an toàn với dịch bệnh. Cũng trong năm 2021, nhờ có chuyển đổi số quả vải thiều đặc sản của Hải Dương đã được tiêu thụ dễ dàng được mùa, được giá trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, được thị trường trong nước và quốc tế tiếp nhận, đánh giá cao, ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc, còn xuất khẩu khoảng 2.000 tấn đi các thị trường mới, như: Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Úc, EU, Singapore…

 Ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp là một điểm sáng bước đầu đã đem lại những kết quả rất đáng mừng cho ngành nong nghiệp Hải Dương

 

Từ những thành công bước đầu rất thuyết phục của ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp đã giúp cho Hải Dương nhận thấy “chuyển đổi số là một xu thế tất yếu cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do chuyển đổi số mang lại”. Nhận thức được điều đó, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, nông dân, chủ thể sản xuất về hiệu quả, cách thức đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng,... Trong năm 2021, ngành nông nghiệp đã tổ chức cho gần 1.000 lượt người tham gia, bên cạnh đó công tác tuyên truyền được thực hiện mạnh mẽ trên các kênh thông tin đại chúng, công tác tư vấn hỗ trợ trực tiếp cho người dân được thực hiện thường xuyên liên tục đã tạo phong trào số trong nông nghiệp của tỉnh… Với những nỗ lực đó, đến nay việc tiêu thụ nông sản của tỉnh Hải Dương trên các sàn thương mại điện tử đang dần trở thành phương thức tiêu thụ chủ yếu của các chủ thể, người dân sản xuất nông nghiệp.

Ông Vũ Văn Toàn, 70 tuổi, người có hơn 10 năm trồng cam ở phường Thất Hùng, Kinh Môn, Hải Dương cho biết, một vài năm gần đây, ông và một số hộ trồng cam chuyển sang phương pháp hữu cơ mang lại hiệu quả, năng suất cao. Khác với những năm trước, chúng tôi phải tự đi tiêu thụ cam thì năm nay, sản phẩm cam của gia đình đã có mặt trên sàn thương mại điện tử. Việc đưa sản phẩm cam Thất Hùng lên sàn thương mại điện tử đã giúp cam của gia đình nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường rộng rãi, chi phí tiết kiệm hơn và tiêu thụ được nhiều hơn.

Cũng giống như cam Thất Hùng, sản phẩm Bột sắn dây Thành Nhàn ngoài kinh doanh theo hình thức truyền thống, anh Thành (chủ cơ sở) đã đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Ladada, Sen đỏ, trang Facebook và tại các siêu thị lớn nhỏ trên toàn quốc. Hiện mỗi tháng, cơ sở do anh Thành làm chủ cung cấp cho thị trường 4.000 - 5.000 gói sản phẩm các loại làm từ bột sắn dây nguyên chất. Anh Thành cho biết: “Thị trường chính của chúng tôi có 80% là qua sàn thương mại điện tử. Tôi nhận thấy, thị trường này rất tiềm năng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra thì thị trường online là phù hợp để sản phẩm tiếp cận tới khách hàng. Qua kênh thương mại điện tử chúng tôi còn có hướng phát triển sản phẩm để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài”.

Hiện nay, các hộ sản xuất nông nghiệp trong tỉnh chủ yếu tham gia giao dịch trên 2 sàn thương mại điện tử là sàn Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và sàn Voso.vn của Tổng công ty CP Bưu chính Viettel với gần 600 sản phẩm đã được bày bán; hơn 108.000 hộ sản xuất trong tỉnh đã có tài khoản trên các sàn thương mại điện tử, 117.000 hộ được đào tạo kỹ năng số, đạt tỷ lệ 33% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hải Dương là tỉnh đứng thứ 16 trong cả nước về số hộ có gian hàng trên sàn thương mại điện tử.

Có thể khẳng định, chuyển đổi số trong nông là một xu thế tất yếu cần phải nhanh chóng nắm bắt lấy thời cơ phát triển do chuyển đổi số mang lại. Là công cụ hữu hiệu tạo ra những giá trị gia tăng mới của nông sản, làm cho năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nông nghiệp tăng lên đáng kể; chuyển đổi số kết nối thuận lợi giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa doanh nghiệp với nông dân, bất chấp những khó khăn do dịch, địa lý, là lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản.

Nguyễn Lan

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương