Cây ớt được xem là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ cây ớt. Vụ ớt năm nay nông dân ở các xã Nghĩa Hà, Nghĩa Dũng và Nghĩa Dõng, thành phố Quảng Ngãi được mùa, bội thu, đâu đâu cũng thấy nhiều hộ nông dân thu hoạch ớt, phơi ớt đỏ rực. Nhưng đối lập với màu đỏ của ớt lúc được mùa, được giá, là hình ảnh vừa buồn vừa lo của nông dân, bởi điệp khúc được mùa, mất giá cứ lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua.

Chị Lê Thị Lững, một nông dân ở xã Nghĩa Dũng cho biết: “Ớt năm nay đạt sản lượng khá cao, nhưng với giá như hiện nay thì nông dân chỉ có lỗ. Với 2 sào ớt của gia đình tôi đang vào mùa chín rộ, một mình hái không xuể nên tôi phải thuê thêm nhân công, mỗi ngày 2 - 3 người để thu hoạch, nếu để ớt chín quá và khô ngoài cây thì ớt sẻ không còn đẹp và mất đi độ thịt làm giảm sản lượng, người thu mua chê không mua. Nhiều lúc, các điểm tập kết lại thường xuyên ngừng thu mua vì không tiêu thụ được, giá quá thấp nông dân cũng ngại hái, nhưng nếu không thu hái thì cây sẽ không ra quả nữa rồi hư hại dần cũng bỏ”.

leftcenterrightdel
Với sản lượng, giá thuê nhân công và giá bán như hiện nay, tính ra mỗi ngày tiền bán ớt cũng không đủ tiền trả công 

Theo tính toán của chị Lững, “Với giá bán như hiện nay, 5.000 - 8.000 đồng/kg, đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, so với thời điểm này năm ngoái giá ớt dao động từ 25.000 - 60.000 đồng/kg, tiền thuê nhân công hái ớt, với giá 200.000 đồng/người/ngày, mỗi ngày thu hoạch tầm 50 – 70 kg/người và cứ mỗi tuần thu hoạch một lần khoảng 4 tạ/2 sào ớt. Với sản lượng, giá thuê nhân công và giá bán như hiện nay, tính ra mỗi ngày tiền bán ớt cũng không đủ tiền trả công hái, chưa kể đến công chăm sóc, chi phí mua giống, phân, thuốc… Nếu cứ như này thì mỗi sào ớt cũng lỗ hơn 5 - 7 triệu đồng”. Để có được lợi nhuận, mỗi ký ớt tươi phải bán được với giá 10.000 đồng/kg thì nông dân mới có lãi, với giá như hiện nay nông dân chỉ có lỗ vì chi phí đầu tư, giống, nhân công rất cao, chị Lững xót xa nói.

Anh Nguyễn Thành Khoa ở thôn 5, xã Nghĩa Dũng, người thu mua ớt tại thành phố Quảng Ngãi cho biết: “Bên phía Trung Quốc đang ngừng tiêu thụ nên chúng tôi cũng không dám thu mua nhiều. Hiện tại chỉ thu mua cầm chừng, nhằm giúp cho người nông dân có động lực tiếp tục trồng cho những năm tiếp theo, ớt bán chậm, giá lại thấp nên mình cũng đắn đo lắm. Đến thời điểm này thì kho đông lạnh đã không còn chỗ nên đành phải mang đi phơi và như mọi năm thì cấp đông và sau đó xuất bán tươi thì phía Trung Quốc thích hơn và giá cũng cao hơn, năm nay với tình hình như vậy nên chúng tôi đành mang đi phơi chứ chẳng biết phải làm sao”.

Với mức giá mua hỗ trợ cho bà con hiện nay 7.000 - 8.000 đồng/kg và thuê nhân công lặt cuốn là 1.500 đồng/kg, như vậy để có 1kg ớt anh Khoa phải chi gần 10.000 đồng, nhưng chưa biết có xuất bán được hay không. Anh Khoa lo buồn chia sẻ thêm, “để có được 1kg ớt khô thì cần tới 6 - 8 kg ớt tươi và phải phơi, canh, trở liên tục trong 10 - 12 ngày, với điều kiện nắng nóng như hiện nay, và làm sao cố gắng phơi ở khu vực xa vùng biển, vì gần biển mang theo hơi ẩm ớt lâu khô hơn, nên phải tốn thêm tiền thuê xe vận chuyển ớt đi phơi”.

Theo các tư thương thu mua ớt trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, việc thu mua ớt phụ  thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, làm ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của bà con nông dân. Vì vậy, giải pháp cáp bách hiện nay của các tư thương là mua ớt tươi về cấp đông, phơi khô chờ thị trường Trung Quốc tiêu thụ ớt mạnh trở lại là xuất bán, nhằm giúp giảm bớt đi gánh nặng cho bà con nông dân nhưng tăng thêm gánh nặng cho các tư thương trong việc tìm kiếm thị trường mới trong tình hình như hiện nay./.

leftcenterrightdel

Nông dân xã Nghĩa Dũng thu hoạch ớt 

Huyền Hương

Trung tâm Khuyến nông Quảng Ngãi