Năm 1999, từ trạm Khuyến nông- Khuyến lâm Triệu Phong, tôi được điều chuyển vào Trạm Khuyến nông - Khuyến lâm Hải Lăng. Đồng ruộng Hải Lăng mênh mông từ ruộng vàn, ruộng cao đến ruộng trũng sâu tại các xã Hải Dương, Hải Phong, Hải Ba, Hải Quế, Hải Định,… Thời kỳ này, lượng giống gieo sạ trên ruộng của bà con rất cao do sợ lúa bị ngập chết úng sau gieo. Tuy nông dân bắt đầu sử dụng các giống lúa mới nhưng năng suất vẫn còn thấp, sâu bệnh gây hại suốt đầu vụ đến cuối vụ, nào sâu cuốn lá, bọ trĩ, đục thân, rầy, rồi đạo ôn, thối thân, thối bẹ, khô vằn, lem lép hạt…. Tất cả đều do người dân gieo sạ quá dày, từ 7-9 kg giống/sào.
Nhiệm vụ tôi được Trạm giao là chuyển giao tiến bộ kỹ thuật từ tập huấn, chọn giống, ngâm ủ đúng kỹ thuật, tạo rãnh luống thoát nước, bón phân cân đối và điều tiên quyết là hướng dẫn bà con gieo vừa phải bằng tay hoặc công cụ để giảm lượng giống xuống còn 4-5 kg/sào mà vẫn đảm bảo được năng suất cao.
Thay đổi một tập quán từ lâu là điều hết sức khó, chúng tôi cũng gặp nhiều phản ứng từ bà con vì kỹ thuật này chưa được chứng minh trên đồng ruộng. Năm 2000, anh Trần Thiên Văn là trưởng trạm và tôi tìm đọc tài liệu công cụ gieo sạ theo hàng, nguồn tài liệu từ báo Nông nghiệp Việt nam (do chưa có internet băng rộng ADSL). Qua hình ảnh và mấy dòng vắn tắt trên báo, hai anh em đã phác họa mẫu bằng tay, rồi chỉnh sửa thành mẫu hoàn chỉnh và đặt hàng cho thợ cơ khí thực hiện. Chúng tôi tính toán thật kỹ kích cỡ tay kéo, bánh xe, trống đựng giống, lỗ hạt rơi, độ lún trên bùn khi di chuyển và trọng lượng cho phép của công cụ gieo sạ theo hàng. Anh Nga là thợ cơ khí xã Hải Lệ đồng ý nhận hợp đồng làm 2 cái. Nhờ sự ham mê, cộng với tâm huyết thích làm những cái mới phục vụ trên đồng ruộng quê nhà nên sau gần 1 tháng chỉnh đi sửa lại, căn ke vật liệu bằng loại thép nhẹ cho khung bánh, cần kéo, tôn nhẹ để cuốn trống, lỗ hạt rơi và chân vịt chống lún, công cụ sạ hàng tự sản xuất ra đời có trọng lượng 15 kg. Mô hình sạ hàng đầu tiên được chọn tại HTX Lam Thủy - Hải Vĩnh (nay là xã Hải Hưng) với diện tích thực hiện là 2 ha làm điểm trình diễn, 20 hộ dân tham gia. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch thực hiện rất cụ thể từ tập huấn, thực hành ngâm ủ giống, làm đất, bón phân, tạo rãnh, thực hành kéo công cụ trên ruộng. Yếu tố quan trọng hàng đầu là ngâm ủ hạt giống đúng kỹ thuật (ngâm và ủ) sao cho hạt giống nứt nanh đều và khỏe, kích thước mầm và rễ đạt 1/3 chiều dài hạt để hạt dễ dàng rơi ra khỏi lỗ trống khi các trống quay trên ruộng.
“Lần đầu làm chuyện ấy”, chúng tôi ai cũng tâm trạng lo lắng và hồi hộp. Để thuyết phục bà con hưởng ứng tham gia mô hình, huyện đã hỗ trợ giống và 50% định mức phân bón. Ruộng đã hướng dẫn làm đất, bón lót, tạo rãnh, để qua 1 buổi cho lắng bùn rồi mới tiến hành thực hiện gieo sạ hàng. Kiểm tra giống trước khi thực hiện có 6 hộ dân do sợ rét nên ủ quá lâu và ủ kín làm rễ ra dài không thực hiện sạ hàng được; có 4 hộ tâm lý còn do dự nên từ chối thực hiện; kết quả còn 10 hộ tham gia mô hình với diện tích 01 ha. Còn lại 01 ha bà con không làm, chúng tôi thống nhất sạ bằng tay để làm đối chứng với ruộng mô hình và quy định lượng giống sạ hàng là 4 kg/sào, giảm ít nhất 2-4 kg giống so với tập quán gieo sạ truyền thống của bà con nông dân.
Lời ”bàn ra tán vào”, sự nghi ngờ, những cái lắc đầu không tin tưởng nhưng không làm chúng tôi nản lòng, bằng mọi giá quyết tâm phải thực hiện thành công mô hình trên cánh đồng Lam Thủy. Ngày kéo sạ bà con đến chứng kiến rất đông, chủ nhiệm HTX động viên bà con hãy tin tưởng kỹ thuật mới sẽ đem lại hiệu quả cao trong sản xuất lúa. Khâu làm đất đã hoàn thành, chúng tôi làm mẫu đường kéo đầu tiên, đều tay, thẳng hàng làm chuẩn và đường kéo sau nối tiếp đường cũ vừa xong. Nhìn những hạt lúa rơi ra khỏi lỗ trống khi quay đều trên ruộng, hình ảnh lạ lẫm này lần đầu người dân được thấy, lòng tôi vẫn hồi hộp, lo lo. Giai đoạn đầu sau gieo, so với ruộng đối chứng thì lúa sạ hàng nhìn tổng thể rất thưa cây làm chúng tôi lo lắng. Sau 20 ngày, ruộng lúa mô hình có dấu hiệu sinh trưởng mạnh, cây khỏe. Bước vào giai đoạn đẻ nhánh thì sự khác biệt rỏ rệt nhiều so với đối chứng sạ lan của bà con, cây lúa cao hơn hẵn, đẻ nhánh khỏe, thân lá to hơn với màu lá xanh mướt. Thời kỳ làm đòng thì minh chứng càng rõ nét so với đối chứng, cứng cây và cao hơn 8-12 cm qua đo đếm trên ruộng. Trước thu hoạch diễn ra hội thảo đầu bờ, gặt thống kê được tính toán tại ruộng. Những năm này, việc gặt lúa vẫn còn thủ công bằng tay, chuyển lúa về nhà, sử dụng máy tuốt lúa, đùn rơm. Ruộng lúa sạ hàng tuy ít gánh, gặt nhanh nhưng năng suất thu được vượt đối chứng 15-25 kg/sào (3-5 tạ/ha).
Đánh giá bước đầu cho thấy công cụ sạ hàng hiệu quả rỏ rệt, phù hợp thực tiễn sản xuất lúa cho vùng Hải Lăng. Tuy nhiên còn một số hạn chế mà chúng tôi rút ra được: đó là chưa khoan hàng lỗ rơi dày, rơi mỏng khác nhau nên chưa thích hợp với kích cỡ hạt giống và sạ dày, sạ thưa cho từng vùng ruộng. Hai là, trọng lượng máy lúc chưa đổ giống và khi đã đổ giống quá nặng, vật liệu dù kết cấu bằng thép và tôn nhẹ nhưng còn nặng, bánh xe đường kính nhỏ và nặng, chân vịt cuốn bùn nên càng lúc kéo càng lún, càng nặng. Chân ruộng vàn cao kéo nhẹ nhưng chân ruộng sâu bùn bánh lún, khó kéo. Vì vậy, phải thiết kế công cụ sạ hàng nhẹ hơn, trọng lượng khoảng 8-10 kg mà thôi.
Năm 2002, tìm hiểu công cụ sạ hàng bằng nhựa của công ti Hoàng Thắng tại huyện Ô Môn - Cần Thơ được nông dân Cần Thơ đang sử dụng gieo sạ, chúng tôi đề xuất tiếp tục xây dựng mô hình sạ hàng và được đồng ý với 10 công cụ sạ hàng cho 5 điểm thực hiện (5 HTX). Công cụ sạ hàng mới bằng nhựa, khi đưa về được bà con hưởng ứng và chấp nhận ngay vì rất nhiều ưu điểm: trọng lượng nhẹ (8-10 kg), dễ dàng kéo trên ruộng, giống ra đều và điều chỉnh được mật độ hạt rơi, ít lún, kéo nhẹ tay, vệ sinh, cất giữ bảo quản thuận tiện. Tiếp tục chính sách nhân rộng của UBND huyện, nông dân được hỗ trợ 70% giá công cụ sạ hàng. Từ năm 2002 đến 2004, các HTX tranh thủ nguồn hỗ trợ đăng ký ứng dụng công cụ sạ hàng hàng trăm cái, diện tích sạ hàng tăng lên hàng năm, khoảng 1.000 ha với hơn 25 HTX ứng dụng và duy trì phát triển. Sạ hàng được khẳng định là ưu thế trong phương thức gieo thẳng của bà con nông dân. Từ năm 2005 trở đi tuy không còn được hỗ trợ từ Nhà nước nhưng bà con đã tự mua để gieo sạ cho diện tích lúa của mình. Đến nay diện tích ứng dụng sạ hàng trên đồng ruộng gần 3.500 ha/năm.
Hội nghị đầu bờ, hội thảo đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng, trong lòng tôi và anh Trần Thiên Văn rất vui mừng vì kỹ thuật mới này được chấp nhận và hưởng ứng mạnh mẽ trên quê hương mình. Niềm vui sướng không phải bởi vật chất mà tinh thần thăng hoa cùng niềm vui của bà con nông dân. Bao vất vả, nhọc nhằn, lo lắng, trăn trở đã được đền bù xứng đáng khi thấy hàng vụ nông dân cần cù kéo sạ trên đồng ruộng, những hàng lúa thẳng đều, sóng lúa dập dờn trong gió và niềm vui được mùa. Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục xây dựng thêm nhiều mô hình ứng dụng công cụ sạ hàng trong sản xuất lúa, các mô hình nhân giống lúa tại các huyện thị như Triệu Phong, thị xã Quảng trị, TP Đông Hà, Vĩnh Linh, Gio Linh, các mô hình “3 giảm 3 tăng” trong sản xuất lúa đều ứng dụng công cụ sạ hàng, mô hình “1 phải 5 giảm” ứng dụng công cụ sạ hàng với giống lúa mới năng suất chất lượng cao HC95, Thiên ưu, LDA1,... Đến nay, huyện thị nào cũng có diện tích lúa được áp dụng sạ hàng. Hiệu quả mang lại tính riêng cho mỗi hộ sản xuất và rộng hơn tính trên diện tích toàn xã, huyện là rất lớn. Đó là sử dụng công cụ sạ hàng rất lợi công và nhanh hơn nhiều khi sạ bằng tay (gieo vãi 1 công được 0,4 ha còn áp dụng sạ hàng 1 công được 0,8 ha). Giảm lượng giống gieo, từ phương thức gieo vãi 6-8 kg/sào nay chỉ cần 3–4 kg/sào. Giảm sâu bệnh rõ rệt trên đồng ruộng do mật độ cây lúa trên ruộng thưa hơn, cây sinh trưởng khỏe hơn, khả năng chống chịu tốt hơn, số lần phun thuốc giảm 1-2 lần. Giảm phân bón (cụ thể là đạm urea) từ 1-2 kg đạm/sào so với sạ lan nhưng đem lại năng suất cao hơn nhờ các chỉ số cấu thành năng suất: số hạt/bông; hạt chắc/bông; trọng lượng 1.000 hạt cao; hạt lúa chắc mẩy, vàng sáng (năng suất vượt đối chứng 8-10%), tăng sản lượng và cuối cùng là tăng hiệu quả kinh tế. Hiện tượng đỗ ngã trên ruộng sạ hàng cũng giảm so với ruộng sạ lan vì cây khỏe, cứng cáp hơn.
Và hôm nay thay lời cho người anh, người đồng nghiệp và là trưởng trạm khuyến nông tâm huyết với nghề đã có rất nhiều kỷ niệm bên nhau và câu chuyện này là một kỷ niệm khó quên của chúng tôi. Giờ đây bước vào kỷ niệm ba mươi năm ngày thành lâp ngành khuyến nông, xin tri ân những lớp thế hệ cô chú, anh chị đi trước gắn bó với ngành trong thời kỳ đất nước còn nhiều gian khó, có người đã về hưu vui khỏe bên gia đình, có người đã mất và những người còn đang tiếp bước. Mong cho ngành khuyến nông luôn vững bền và phát triển như tên gọi thân thương suốt 30 năm đồng hành cùng bà con nông dân.
    |
 |
Đến nay, huyện thị nào trên tỉnh Quảng Trị cũng có diện tích lúa được áp dụng sạ hàng |
Võ Đức Quốc
Trạm Khuyến nông Thị xã Quảng Trị