Với bà con nông dân ở tỉnh Quảng Bình, Đề án cải tạo đàn bò được xem là “điểm sáng” giúp bà con từng bước thoát nghèo. Từ nguồn kinh phí nhà nước, Trung tâm đã triển khai công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT), góp phần nâng tỷ lệ đàn bò lai trên toàn tỉnh. Nhiều giống bò chuyên thịt như Sind, Brahman đỏ, Brahman trắng, BBB, Droughtmaster … được đưa vào phối giống đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò địa phương. Từ năm 2018 đến nay, công tác TTNT bò được xã hội hóa, cán bộ khuyến nông luôn tích cực phối hợp với các dẫn tinh viên tại địa phương để công tác TTNT đảm bảo kế hoạch đề ra. Nhờ đó, nếu như năm 2010, tỷ lệ bò lai toàn tỉnh chỉ dưới 11% thì đến cuối năm 2021, tỷ lệ bò lai toàn tỉnh đạt 63. 

Cùng với đề án cải tạo đàn bò; chương trình trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc (Chương trình 327) và dự án trồng 5 triệu ha rừng (Dự án 661) cũng là hoạt động lớn của tỉnh. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình đã phối hợp với Dự án JICA2 thực hiện nhiều mô hình trồng rừng tại các các huyện Quảng Trạch, Minh Hóa, Tuyên Hóa… Trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Bình trồng mới rừng tập trung từ 5.000 – 8.000 ha, rừng sản xuất gỗ lớn là 620 ha. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 4.000 ha diện tích rừng gỗ lớn; năng suất rừng trồng dần được cải thiện, diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC đạt trên 4.300 ha; tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 2 toàn quốc.

Bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay, Trung tâm triển khai hơn 50 mô hình, chương trình, dự án từ nhiều nguồn vốn khác nhau. Các mô hình khuyến nông đã tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược, có lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều chuyển biến, bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Các mô hình cho đồng bào dân tộc thiểu số đã mang lại kết quả tích cực, góp phần tạo sinh kế bền vững cho bà con.

Công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Mỗi năm có hàng trăm lượt người lao động được hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, các nghề đào tạo được Trung tâm tập trung vào các loại cây, con có lợi thế của địa phương, chú trọng các tiêu chuẩn thực hành tốt, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ...

Thông qua các hoạt động, công tác khuyến nông tỉnh Quảng Bình đã có những đóng góp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã có gần 7.300 ha diện tích liên kết sản xuất cánh đồng mẫu lớn với 90% sản lượng sản phẩm được các doanh nghiệp bao tiêu, hiệu quả lợi nhuận tăng 15-20%; đạt 50 triệu đồng/ha, tăng 18 triệu đồng/ha so với năm 2005. Toàn tỉnh đã xây dựng được 26 cơ sở sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; có 104 trang trại và 36 doanh nghiệp chăn nuôi, trong đó 9 trang trại quy mô lớn. Hoạt động cơ giới hóa được đẩy mạnh, đến cuối năm 2021 toàn tỉnh có trên 24.600 máy được sử dụng trong nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng máy nông nghiệp bình quân đạt 2,4%/năm; các khâu làm đất đạt trên 80%, gieo trồng 15%, tưới tiêu 75%, thu hoạch đạt gần 80%...

Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động. Đồng thời tiếp tục đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp, trong đó ưu tiên cán bộ khuyến nông huyện và xã; xây dựng kế hoạch thành lập tổ khuyến nông cộng đồng, tạo “cầu nối” giữa cán bộ khuyến nông, nông dân, hợp tác xã với nhà quản lý, doanh nghiệp, giúp gia tăng giá trị nông sản, xây dựng vùng nguyên liệu bền vững.

leftcenterrightdel
Cán bộ TTKNKN Quảng Bình hỗ trợ kỹ thuật cho mô hìh sản xuất dưa lưới CLC 

TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG - KHUYẾN NGƯ QUẢNG BÌNH