Do đó, nhằm góp phần nâng cao hơn nữa kiến thức UDCNC trong nuôi tôm, thông qua các kỹ năng thiết kế, lót đáy bạt ao nuôi, sử dụng máy cho ăn thông minh, xử lý các sự cố về môi trường, hệ thống điện trong quá trình nuôi tôm công nghệ cao,… Đồng thời, bổ sung các kiến thức và trau dồi kinh nghiệm thực tiễn cho người nuôi tôm UDCNC, qua đó tạo cơ hội giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm học tập, có điều kiện thực hành và tham quan các mô hình nuôi tôm UDCNC tại các tỉnh lân cận. Từ đó, giúp người nuôi tôm vận dụng tốt trong thực tế, tạo ra sản phẩm sạch, nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương; thực hiện Quyết định số 3560/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của Uỷ ban Nhân dân (UBND) TP.HCM về Ban hành Danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho người lao động trên địa bàn TP.HCM, Trung tâm Khuyến nông Thành phố khai giảng lớp dạy nghề nông nghiệp “Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm” cho 20 học viên là nông dân tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Đối tượng lớp học là nông dân đang làm nghề nông (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), có nhu cầu thực hiện nuôi tôm UDCNC hoặc chuyển đổi từ ngành nghề khác sang nuôi tôm UDCNC. Thời gian lớp học trong 01 tháng (từ 4/2022 - 5/2022) và chương trình khóa học gồm có 30 tiết lý thuyết và 70 tiết thực hành. Trong đó, thực hành trực tiếp tại các trại nuôi và Hợp tác xã nuôi tôm trên 02 xã Tam Thôn Hiệp và Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Giảng viên lớp học là những chuyên gia, nhà khoa học có thâm niên nghiên cứu và áp dụng thực tiễn về mô hình nuôi tôm UDCND.
Tại lễ khai giảng, ông Trịnh Đức Thuấn, người có kinh nghiệm hơn 20 năm nuôi tôm ở địa phương cho biết: Về kinh nghiệm nuôi tôm tuy bản thân có thời gian tích lũy, ứng dụng vào thực tiễn, nhưng để có sự trao đổi, kết nối với những chuyên gia, giảng viên lớp học cũng như những hộ nuôi tôm khác thì bản thân chưa có nhiều. Vì vậy, thông qua lớp học, ông mong muốn tất cả học viên nên sắp xếp thời gian phù hợp, tham gia đầy đủ khóa học, giúp nâng cao tay nghề cũng như có sự trao đổi kinh nghiệm thực tế, cùng giúp nhau phát triển kinh tế nông nghiệp từ những mô hình nuôi tôm UDCNC.
Ông Đoàn Hòa Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Lý Nhơn phát biểu: Cần Giờ với lợi thế về kinh tế biển, phát triển tốt những sản phẩm nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm nước lợ và đây cũng chính là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố. Do đó, thông qua lớp học, sẽ giúp các học viên tích lũy được nhiều kiến thức chuyên môn về mô hình UDCNC trong nuôi tôm. Với những hộ đã và đang thực hiện mô hình sẽ có thêm kiến thức áp dụng tốt vào thực tế, còn với những hộ đang có nhu cầu chuyển đổi mô hình từ nuôi truyền thống sang nuôi UDCNC sẽ chuẩn bị cho mình vốn kiến thức cần thiết để mạnh dạn áp dụng khi đưa vào thực tiễn. Mong Trung tâm Khuyến nông Thành phố có thêm nhiều lớp học theo chương trình đào tạo ngắn hạn như trên, để hỗ trợ nông dân địa phương sản xuất và phát triển kinh tế nông nghiệp.
Phát biểu tại Lễ khai giảng lớp học, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, ông Phạm Lâm Chính Văn cho biết: Với chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn cho nông dân những kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, thông qua hình thức tập huấn, hội thảo và triển khai các lớp dạy nghề ngắn hạn theo quy định của Thành phố, Trung tâm Khuyến nông tích cực tham khảo nhu cầu, nguyện vọng của nông dân về những chủ đề, lĩnh vực cần học tập, nâng cao kiến thức, qua đó áp dụng tốt vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp hộ gia đình. Đây cũng chính là tiền đề để khai giảng lớp dạy nghề “Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm” tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ. Đặc thù của các học viên đều là những hộ nuôi tôm thường nhật, nên thời gian dành cho việc quản lý mô hình của gia đình rất nhiều. Do đó, Ban tổ chức, giảng viên lớp học sẽ chủ động và linh hoạt sắp xếp thời gian giảng dạy, trao đổi kiến thức với học viên phù hợp nhất, địa điểm học sẽ vận dụng thực tế tại các Farm và ao nuôi tôm hiệu quả trên địa bàn, để học viên có thể vận dụng tốt lý thuyết vào thực tiễn. Mong rằng, sau thời gian 01 tháng tham gia lớp học, tất cả học viên đều lĩnh hội thật nhiều kiến thức chuyên môn một cách khoa học và hiệu quả, góp phần phát triển mô hình nuôi của gia đình, phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương và của Thành phố, phù hợp với nền nông nghiệp hiện nay.
Minh Hiếu
Trung tâm Khuyến nông TP.HCM