Tham gia tọa đàm của 120 đại biểu đến từ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Lâm Đồng, phòng nông nghiệp, phòng kinh tế, trung tâm nông nghiệp các huyện/Tp. thuộc tỉnh Lâm Đồng, các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn khu vực Tây Nguyên, các doanh nghiệp, HTX vùng nguyên liệu cà phê, các cán bộ khuyến nông, khuyến nông cộng đồng và khuyến nông cộng đồng mở rộng, một số đơn vị truyền thông, báo chí Trung ương và địa phương tham dự và đưa tin về tọa đàm.

leftcenterrightdel
 Giám đốc TTKNQG phát biểu tại tọa đàm (ảnh: ĐT)

 

Đề án thí điểm: “Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng” được Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành ngày 25/3/2022 theo Quyết định số 1094/QĐ-BNN-KN đã được triển khai tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản chủ lực của ngành với mục tiêu nhằm củng cố và kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo mô hình tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) hoạt động đa chức năng phục vụ tái cơ cấu ngành, phát triển nông thôn, phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản. Đến nay đã có 57 tỉnh/thành phố thành lập được 5.167 tổ KNCĐ với 47.293 thành viên.

leftcenterrightdel
Đến nay đã có 57 tỉnh/thành phố thành lập được 5.167 tổ KNCĐ với 47.293 thành viên (ảnh: ĐT)

 

Lâm Đồng mặc dù không thuộc 13 tỉnh tham gia đề án thí điểm KNCĐ nhưng trên địa bàn tỉnh đã có 6 địa phương thành lập được 44 tổ với 465 thành viên. Các tổ KNCĐ bước đầu hoạt động đạt một số kết quả nhất định với các nội dung hoạt động chủ yếu gồm: Hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến chính sách và pháp luật về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, hỗ trợ dịch vụ kỹ thuật và vật tư nông, lâm, thủy sản: giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp, bảo vệ thực vật, thú y, cơ giới hóa nông nghiệp, sau thu hoạch, tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn,…

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu lên thực trạng và khó khăn của các tổ KNCĐ. Đó là: các tổ KNCĐ là tổ chức mới hình thành nên chưa thể vận hành và hoạt động trơn tru, số lượng tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả còn chưa cao, chủ yếu còn hoạt động mang tình phong trào, hình thức. Một số tổ KNCĐ được thành lập, tuy nhiên số thành viên chưa đầy đủ, chưa đúng thành phần. Việc xây dựng và ban hành kế hoạch và quy chế hoạt động vẫn chưa rõ ràng, cụ thể, chưa có sự thảo luận và đóng góp của KNCĐ, chính quyền địa phương nên đôi khi quy chế được xây dựng mang tính hành chính. Nội dung hoạt động của tổ KNCĐ còn đơn thuần, chưa đa dạng, phong phú, chưa có nguồn kinh phí phục vụ cho hoạt động chung. Các thành viên của tổ KNCĐ chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, địa bàn hoạt động rộng, đi lại không thuận lợi nên rất khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Năng lực của đội ngũ cán bộ tổ KNCĐ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt thiếu kiến thức phát triển thị trường, quản trị hợp tác xã, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số, marketing và các kỹ năng mềm như: kỹ năng tuyên truyền, tư vấn… Bên cạnh đó điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực hoạt động còn thiếu, chưa rõ về mô hình tổ chức, tư cách pháp nhân để hoạt động, chưa có chính sách, chế độ đãi ngộ đối với các tổ KNCĐ. Do tổ không có tư cách pháp nhân nên không có con dấu giao dịch để ký các hợp đồng dịch vụ, hợp đồng vay vốn để hoạt động.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh tọa đàm 

 

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ KNCĐ. Cụ thể như sau:

 

Tổ KNCĐ nên trực thuộc hệ thống khuyến nông tỉnh để có sự quản lý, hướng dẫn và đánh giá hoạt động.

 

Cần xây dựng quy chế mẫu và được thống nhất giữa các bên liên quan.

 

Xây dựng cơ chế hợp tác giữa doanh nghiệp và hệ thống khuyến nông thông qua hợp tác công tư nhằm tạo ra thu nhập cho khuyến nông cộng đồng.

 

Cần ban hành chính sách hỗ trợ cho hệ thống khuyến nông cơ sở, đặc biệt là tổ KNCĐ.

 

Tạo cơ chế quản lý hiệu quả cho các tổ KNCĐ thông qua báo cáo, giám sát và giao nhiệm vụ.

 

Các tổ KNCĐ cần được tham gia vào các chương trình mục tiêu quốc gia như nông thôn mới hay giảm nghèo bền vững để tạo cơ hội làm việc cho tổ KNCĐ,…

 

Sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương là cần thiết cho sự tồn tại và phát triển của tổ KNCĐ.

 

Cần có nhiệm vụ rõ ràng và người giám sát thực hiện kế hoạch hoạt động của tổ để đảm bảo hiệu quả.

 

Các thành viên trong tổ cần có đủ năng lực về kiến thức và kỹ năng thực thi nhiệm vụ; việc nâng cao năng lực là rất quan trọng.

 

Cần nghiên cứu thí điểm việc sử dụng tư cách pháp nhân của HTX cho hoạt động của tổ KNCĐ.

leftcenterrightdel
Cần nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ KNCĐ

 

Để góp phần phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững, cán bộ khuyến nông, đặc biệt là KNCĐ cần được trang bị kiến thức về sản xuất cà phê bền vững, áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật canh tác, tái canh, ghép cải tạo cà phê nhằm cải tiến năng suất chất lượng vườn cây tăng thu nhập trên đơn vị diện tích; Tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, tư vấn hỗ trợ cho các HTX về vật tư đầu vào, hỗ trợ - giám sát các thành viên HTX thực hiện đúng các quy trình để sản xuất cà phê đạt chứng nhận chất lượng - chứng nhận sản phẩm bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó các thành viên tổ KNCĐ cần được trang bị kiến thức về quản trị HTX, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kiến thức thị trường, thương mại và thương hiệu sản phẩm, …

 

Trong chương trình tọa đàm, các đại biểu đến tham quan và học tập, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cà phê chứng nhận 4C tại công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Tám Trình, xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tham quan mô hình sản xuất cà phê đạt chứng nhận 4C

 

Đại diện công ty, ông Đoàn Văn Trình cho biết, để tăng lợi nhuận trong sản xuất cà phê, người nông dân cần nắm rõ thông tin thị trường và giá cà phê, đảm bảo các thông tin này luôn cập nhật, khách quan và dễ hiểu. Tăng khả năng tiếp cận thông tin thị trường bao gồm thông tin thị trường, tài chính và cung cấp đầu vào. Có hệ thống lưu giữ thông tin kỹ thuật và tài chính để quản lý nông trại và kinh doanh cà phê. Cà phê phải có khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng từ nông trại đến người mua cuối cùng. Ông Trình cũng lưu ý một số kinh nghiệm bà con nông dân cần bón phân cân đối, đúng lượng và đúng thời kỳ; tăng cường bón phân hữu cơ để tạo độ ẩm cho đất và giúp cho bộ rễ phát triển tốt. Vào mùa khô, tránh lãnh phí nước tưới, bà con cần chú ý để cây ép hoa thật tốt mới tưới, xác định cây cà phê thiếu nước hay không có thể dùng bát úp xuống dưới gốc cà phê, sáng hôm sau nếu trong bát không đọng nước thì mới tiến hành tưới nước cho cà phê. Cần thu hái cà phê có độ chín đồng đều để đạt được trọng lượng và chất lượng tối ưu.

 

Phát biểu tại tọa đàm, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Sau 02 năm thí điểm, mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã có những tín hiệu tích cực, nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cấp, các ngành và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân. Qua đó đã khẳng định được vai trò, nhiệm vụ của hệ thống khuyến nông, khuyến nông cộng đồng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp nông thôn, thay đổi tư duy, nhận thức trong hệ thống khuyến nông, đổi mới và đa dạng hóa chức năng, hoạt động của khuyến nông cơ sở, thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tri thức hóa nông dân, mở rộng không gian kết nối khuyến nông, thu hút sự vào cuộc tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, thúc đẩy xã hội hóa khuyến nông.

 

Ông cũng nhấn mạnh thời gian tới Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành văn bản hướng dẫn về tổ chức và hoạt động khuyến nông cộng đồng xây dựng và phát triển các tổ KNCĐ trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng và tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về khuyến nông cộng đồng. UBND các tỉnh/thành phố quan tâm ban hành chính sách, bố trí nguồn kinh phí, hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất cho các tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức quốc tế tích cực phối hợp, kết nối với các tổ KNCĐ để hoạt động theo phương châm tích hợp đa giá trị, cùng phát triển./.

Mai Anh