Đến thăm quan mô hình trồng ổi Đài Loan xen dừa của hộ ông Lê Ngọc Anh thôn Phò Nam, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang có tổng diện tích là 1 ha. Hộ tiếp cận thực hiện mô hình nhờ tư vấn của cán bộ khuyến nông và học hỏi thêm kinh nghiệm trên youtube. Đến nay, mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế và được nhiều nông dân tại xã học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng.

Vườn ổi xen dừa của hộ ông Lê Ngọc Anh

 

Qua chia sẻ của chủ hộ, giống ổi và dừa được mua tại Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên Hải Nam Trung Bộ. Được biết dừa là cây trồng sau 3 đến 4 năm mới cho quả nên tận dụng quỹ đất còn trống do dừa trồng với mật độ thưa, ông Ngọc Anh đã chọn cây ổi để trồng xen. Sau một năm rưỡi, hộ xác định trong 3 giống ổi được trồng là ổi lê, ổi Nữ Hoàng và ổi Rubi ruột đỏ, mỗi loại ổi có năng suất và chất lượng khác nhau, trong đó ổi Lê Đài Loan là giống dễ trồng và năng suất cao nhất. Ổi Đài Loan cho quả quanh năm nhưng rộ nhất là từ tháng 2 đến tháng 8 trong năm. Yêu cầu kỹ thuật trồng cũng không quá khắt khe.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng ổi Đài Loan, ông Ngọc Anh cho biết, giống này thích hợp trên mọi loại đất, đất càng màu mỡ, chất mùn nhiều sẽ cho năng suất và tăng độ ngọt của ổi. Đối với đất bị trũng thì hạn chế trồng nếu trồng cần lên luống cao 50 - 60cm, thoát nước tốt vào mùa mưa. Cây ổi Đài Loan phát triển nhanh, chỉ sau trồng khoảng 6 tháng là cây bắt đầu cho trái bói (giống là cây chiết cành), tuy nhiên để cây phát triển cành lá khỏe mạnh thì nên ngắt bỏ quả. Cây sau 12 tháng trồng mới để quả nhiều. Tùy theo sự phát triển của từng cây và cành mang quả sẽ chọn quả đẹp giữ lại, các hoa mọc kép thì ngắt bỏ một hoa, chỉ giữ một hoa. Ngoài ra kỹ thuật bấm ngọn, bấm cành sẽ quyết định đến số lượng và chất lượng quả ổi.

Trong quá trình sinh trưởng, ổi Đài Loan thường gặp dấu hiệu như cây ổi chậm phát triển thì cần kiểm tra chế độ phân bón, chế độ nước. Khi thiếu nước, thiếu phân, lá sẽ chuyển vàng, còi cọc, quả nhỏ, hạt nhiều, cứng. Nếu thừa nước do đất trũng hay bị ngâm nước lâu ngày do mưa kéo dài vào mùa đông thì lá chuyển màu huyết dụ, cây chậm phát triển.

Về sâu bệnh thì chú ý nhất là sâu đục quả và rầy chích hút phần ngọn. Đối với sâu đục quả giải pháp tối ưu nhất là dùng bao xốp để bọc ổi, thời gian bọc là khi trái ổi lớn bằng quả trứng cút là bọc quả hiệu quả nhất. Bọc ổi ngoài giảm sâu bệnh gây hại còn giúp ổi có mẫu mã đẹp, trắng sáng, không bị rám nắng khi vào hè, khi vận chuyển không bị trầy xước làm giảm giá trị của quả ổi.  

Ngoài đặc điểm dễ trồng, dễ chăm sóc, cây ổi được nhận định là loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao so với một số cây trồng khác. Cây cho quả sau trồng khoảng 10 - 12 tháng và cho thu hoạch ổn định 2 năm sau trồng, năng suất đạt 15 – 35 kg cây/năm, với giá bán tại hộ trung bình 15.000 đồng/kg thì mỗi cây thu trung bình được 370.000 đồng. Trên diện tích 1 ha trồng 1200 cây, doanh thu sẽ đạt 444 triệu đồng, trừ đi chi phí đầu vào và nhân công lao động thì một ha thu khoảng 250 triệu đồng/năm.

Hiện nay, có nhiều vùng miền trồng ổi, nhập về bán ở các chợ đầu mối giá rẻ. Để dễ tiêu thụ và cạnh tranh mạnh trên thị trường, đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng thì cần áp dụng các biện pháp canh tác sao cho ổi giòn và ngọt đậm và giải pháp áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ cho cây ổi là giải pháp tối ưu.

 

Lê Thị Nga

Trung tâm Khuyến ngư nông lâm Đà Nẵng