Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng áp dụng công nghệ cao không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần làm thay đổi tư duy, thói quen, tập quán canh tác của nông dân, từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch gắn với nhu cầu của thị trường.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã sản xuất, thu mua nông sản Hoa Sen (HTX), một trong những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn phường Nghĩa Đức, thành phố Gia Nghĩa, bước đầu đem lại hiệu quả về kinh tế với năng suất, chất lượng vượt trội so với sản xuất thông thường, nhằm từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm của các thành viên, cũng như nông dân trên địa bàn thành phố.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Sen, Giám đốc HTX cho biết, năm 2019, chị về Đà Lạt thăm người quen và được bạn bè giới thiệu mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao. Chị nghĩ ra ý tưởng có thể áp dụng để canh tác tại địa phương nên đã tìm hiểu kỹ thuật và quy trình sản xuất dưa lưới. Chị cũng tìm đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh để được tư vấn. Tại đây chị được cán bộ kỹ thuật tư vấn và giới thiệu mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của trung tâm triển khai. Đồng thời, chị dành thời gian đến tham quan mô hình tại hộ ông Nguyễn Thế Độ, thôn Đắk Sơn, xã Đăk Gằn, huyện Đắk Mil để học tập kinh nghiệm thực tế.
Sau khi nắm rõ kỹ thuật, chị bắt tay vào xây dựng 1.500 m2 nhà màng và trồng gần 4.500 cây dưa lưới/vụ. Mỗi cây được trồng riêng trong từng túi bầu FE với giá thể xơ dừa đã qua xử lý. Để bảo đảm cây dưa phát triển đồng đều chị sử dụng hệ thống tưới tự động nhỏ giọt hiện đại theo công nghệ Israel để hẹn giờ cấp nước, phân bón. Tuỳ từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây mà số lần tưới cũng khác nhau, giai đoạn cây con tưới từ 3-4 lần/ngày, giai đoạn cây ra hoa kết trái thì tưới 5-6 lần/ngày, mỗi lần tưới chỉ từ 3-5 phút. Phương pháp này giúp cây trồng hấp thụ tốt chất dinh dưỡng, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Vào thời điểm dưa lưới ra hoa phải tiến hành cho ong vào thụ phấn. Khi cây ra quả, mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả cũng như phòng tránh dịch bệnh, thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn. Để phòng bệnh và bảo đảm sản phẩm an toàn nên chị chỉ sử dụng phân bón hữu cơ sinh học và đạm cá tự ủ để bón cho vườn dưa.
Mỗi vụ dưa lưới kéo dài từ 65 - 70 ngày; mỗi quả dưa đến kỳ thu hoạch có trọng lượng từ 1,2 - 2,0 kg. Dưa có vị ngọt, thơm, giòn, độ Brix đạt từ 14-15%. Dưa lưới sản xuất trong nhà màng có thể canh tác được 3 - 4 vụ/năm. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, hệ thống nhà màng đảm bảo nên cây dưa sinh trưởng và phát triển khá tốt, sản lượng dưa lưới thu hoạch đạt khoảng 3 tấn/vụ/1.000m2 nhà màng.
Hiện nay sản phẩm dưa lưới đang được bán với giá trung bình là 35.000 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 50 triệu đồng/vụ (trên 150 triệu đồng/năm). Hiện tại HTX có 7 thành viên tham gia với gần 20.000 m2 nhà màng nhưng các hộ chia nhau luân phiên thu hoạch để lúc nào HTX cũng có dưa cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Riêng gia đình chị Sen đã phát triển lên 4.000 m2 nhà màng và đang mạnh dạn chuyển đổi đưa những giống dưa chất lượng vào trồng thử nghiệm như dưa Hoàng Kim, dưa Huỳnh Long,… bước đầu đã mang lại hiệu quả cao.
|
|
Vườn dưa Huỳnh Long 45 ngày của gia đình chị Ngọc Sen |
Theo anh Lê Minh Hải, thành viên của HTX cho biết, trồng dưa lưới đòi hỏi rất nhiều về kỹ thuật chăm sóc và chi phí đầu tư lớn, tuy nhiên, lợi nhuận khá hấp dẫn nên nông dân mạnh dạn phát triển mô hình. Một trong những ưu điểm của mô hình này là giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, ít sử dụng nhân công, có thể trồng quanh năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết. Nhà màng giúp che chắn mưa, ngăn côn trùng xâm nhập nên dưa lớn nhanh, cho vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều. Trong quá trình canh tác dưa lưới hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Anh cho biết thêm, khi tham gia tổ hợp tác, các thành viên có điều kiện hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, phân bón, cây giống, đầu ra nông sản… Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương còn hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, tổ chức các chuyến tham quan và học hỏi kinh nghiệm và cách thức hoạt động tổ hợp tác ở các địa phương khác…
Còn chị Bùi Thị Khánh Hoà ở xã Đắk Nia lại thực hiện mô hình “Du lịch nông nghiệp” với diện tích hơn 2.000 m2 nhà lồng trồng dưa lưới. Từ đầu năm đến nay vườn dưa nhà chị là địa chỉ để các doanh nghiệp du lịch, học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh có thể đến học tập, trải nghiệm quy trình sản xuất và thưởng thức một số giống dưa lưới, dâu tây. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để chị quảng bá các sản phẩm được sản xuất tại vườn. Sự kết hợp phát triển nông nghiệp và du lịch đã tạo ra những nét độc đáo riêng cho du lịch ở địa phương và đem lại nguồn thu tăng gấp nhiều lần cho hộ nông dân so với chỉ đơn thuần sản xuất nông nghiệp.
Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tuân thủ quy trình, kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn giống, trồng, chăm sóc cho đến khi dưa được thu hoạch, mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của HTX Hoa Sen đã mở ra hướng đi triển vọng trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và là hướng phát triển bền vững, được thành phố Gia Nghĩa khuyến khích nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Nguyễn Thị Khánh
Trung tâm Khuyến nông Đăk Nông