Mô hình này bước đầu mang lại triển vọng khả quan trong việc tiết kiệm chi phí nhân công, từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Giống lúa được sử dụng ở mô hình là giống lúa hữu cơ ST25, cho năng suất cao và được thị trường ưu chuộng. Mô hình được liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ để nâng cao hiệu quả, tăng giá trị sản phẩm.

Ưu điểm của gieo mạ khay đó là giảm được lượng giống, giảm công chăm sóc mạ, không mất công nhổ mạ, gieo mạ khay cây lúa sẽ phát triển cân đối, đồng đều, hạn chế được sâu bệnh.

Cấy lúa bằng máy không chỉ giúp giảm chi phí, ngày công lao động mà còn bảo đảm lúa sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, góp phần tăng năng suất, chất lượng. Xét ở khía cạnh môi trường, sử dụng việc cấy máy trong sản xuất sẽ mang lại hiệu quả bền vững hơn. Vì, nhiều năm qua, khi thực hiện gieo sạ, lượng thuốc bảo vệ thực vật do bà con dùng tương đối nhiều, ảnh hưởng đến đất đai, cây trồng và sức khỏe con người.

leftcenterrightdel
 Mạ được cuộn thành từng cuộn tròn

Hơn 3 sào lúa ST25 của anh Nguyễn Mậu Nam, thôn Bình Quang được cấy bằng mạ khay, máy cấy. Anh cho biết: Trước đây, cấy lúa bằng thủ công mất nhiều thời gian và thuê nhân công với chi phí cao. Còn đối với cấy bằng máy cấy tiết kiệm thời gian và chi phí thấp hơn nhiều.

Theo ông Nguyễn Minh Duyệt - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình: Với phương pháp gieo cấy truyền thống, bà con nông dân vẫn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là thuốc trừ cỏ. Với việc triển khai thí điểm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ bằng kỹ thuật mạ khay, cấy máy, địa phương đang từng bước đẩy mạnh cơ giới hóa vào gieo cấy để giúp nông dân giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm lúa gạo hữu cơ chất lượng cao để phục vụ thị trường. Từ mô hình thí điểm này, xã sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng trên địa bàn, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ xanh, sạch, an toàn và bền vững.

Có thể nói, việc ứng dụng mô hình cấy lúa bằng máy là một bước tiến trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần tích cực vào thực hiện chủ trương đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân mà còn góp phần bảo vệ môi trường, như giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm trên đồng ruộng. Từng bước giúp cho nông dân thay đổi tập quán sản xuất lúa nhỏ lẻ, manh mún, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất lao động, góp phần xây dựng nông thôn mới./.

leftcenterrightdel

Cấy lúa bằng máy giúp giảm chi phí, ngày công lao động, tăng năng suất, chất lượng

Ánh Nguyệt

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh