Sau 2 năm thực hiện và thu hoạch, mô hình đã cho thấy cây niễng là đối tượng chuyển đổi, thay thế cây lúa có triển vọng. Cây niễng thích ứng và phát triển tốt với điều kiện đất đai, khí hậu của Hà Tĩnh, không mất nhiều công chăm sóc và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cây lúa 4-5 lần.

 

Trên đường dẫn tôi ra thăm ruộng niễng, anh Hoàng Minh Luyến cho biết: “Thời gian qua, việc trồng lúa tại vùng đất bị sình bùn nên việc sản xuất gặp nhiều khó khăn và hiệu quả kém. Do đó, tôi đã suy nghĩ để tìm kiếm đối tượng mới để thay thế cây lúa. Cuối năm 2022, tôi biết đến cây niễng với đầy đủ các thông tin về tác dụng, kỹ thuật và hiệu quả qua lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho người dân tại vùng đất nông nghiệp bị nhiễm mặn do xã Kỳ Phú phối hợp với Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện Kỳ Anh tổ chức. Tháng Giêng năm 2023, tôi đã ra Nam Định tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm và mua giống về trồng thử nghiệm 2 sào (1.000 m2) trên đất ruộng lúa bị sình bùn, thường xuyên có nước của gia đình”.

leftcenterrightdel
Anh Luyến thu hoạch niễng trên cánh đồng tại thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh 

Cây niễng hay còn gọi là cây lúa miêu, cây lúa bắp, cây giao bạch,… Cây niễng là một loại cỏ sống lâu năm, mọc dưới nước hay dưới đất nhiều bùn, cao tới 1-2m, rễ nhiều, thân thẳng và xốp. Giống niễng là giống tái sinh bằng cách tách gốc ra lấy mầm để trồng. Do đó, để có giống trồng cho vụ sau thì cần bảo vệ cây niễng của vụ trước, đảm bảo giữ được những mầm chưa lớn, chưa bị nấm và còn sống qua mùa đông. Người trồng chỉ cần mua giống năm đầu tiên và tự nhân giống để trồng tiếp những năm sau. Niễng được trồng mỗi gốc cách nhau 70 - 80cm, tốt nhất trồng theo hàng để dễ chăm sóc. Ở Trung Quốc người ta thu hoạch cả củ, lá và hạt, nhưng ở Việt Nam (Nam Định, Hà Nội …) chỉ mới thu hái củ và lá (lá dùng tách sợi để đan lát).

 

Anh Luyến cho biết thêm: “Thời gian làm đất và xuống giống vào khoảng tháng Giêng, tháng 2 dương lịch. Thời gian thu hoạch củ niễng là từ cuối tháng 10 và đến cuối tháng 11, thời điểm này cây niễng bắt đầu tàn. Ruộng trồng niễng được cải tạo, chuẩn bị như ruộng lúa. Việc chăm bón dễ và nhàn hơn lúa, một vụ chỉ bón phân 2-3 đợt. Ruộng sình lầy nên ít cỏ dại, không mất công làm cỏ. Đối với cây niễng thì gần như không bị gây hại bởi sâu bệnh mà đối tượng gây hại chính là chuột đồng và kiến ba khoang. Sản phẩm niễng rất sạch vì trong quá trình trồng và chăm sóc, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật nào, phân bón thì tôi đã dùng phân hữu cơ của công ty Quế Lâm, nguồn nước cấp vào ruộng là nguồn nước thủy lợi đảm bảo sạch. Việc thu hoạch niễng cũng rất dễ, không tốn nhiều công. Hiện nay, vợ chồng tôi tranh thủ 2 tiếng/ngày, 1 tiếng đầu buổi sáng và 1 tiếng đầu chiều để thu hoạch niễng cho các khách hàng, chủ yếu là khách sỉ tại nhà. Niễng được thu hoạch và bó thành bó, mỗi bó 10 củ hoặc đóng thành gói. Tùy chất lượng và mẫu mã, niễng được bán với giá dao động từ 2.000 - 4.000 đồng/củ. Trung bình mỗi ngày gia đình anh bán được gần 2 triệu đồng. Hiện nay, lượng niễng sản xuất được chưa đủ để đáp ứng yêu cầu các đơn đặt hàng”.

 

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt khi anh nói về hiệu quả của mô hình trồng niễng: “Năm 2023, giống phải mua nhưng năm nay gia đình tự nhân giống và kinh nghiệm sản xuất tốt hơn nên năng suất, lợi nhuận thu được cao hơn năm ngoái. Năm 2023, gia đình tôi bán được hơn 8 triệu đồng nhưng năm nay, đến thời điểm này đã bán được 17 triệu đồng và dự kiến đến hết vụ đạt khoảng 25-30 triệu đồng. Với diện tích 2 sào đất đó, trước đây trồng lúa mỗi năm gia đình thu được tối đa 6 triệu đồng. Như vậy, hiệu quả kinh tế từ trồng niễng cao hơn trồng lúa 4 - 5 lần. Trong thời gian qua, anh cũng đã đầu tư kinh phí thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu quảng bá sản phẩm qua nhiều kênh như hội chợ, trên sàn thương mại điện tử huyện Kỳ Anh, zalo, facebook cá nhân... Thời gian tới, anh sẽ trồng thử nghiệm thêm 2 sào niễng tại khu ruộng đất cát pha, cao ráo. Đồng thời tăng cường hơn nữa việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm và phát triển thị trường; tư vấn, hỗ trợ và liên kết sản xuất với các hộ dân có chung ý tưởng để nhân rộng, phát triển mô hình trồng niễng”.

 

Sau 2 năm thực hiện cho thấy cây niễng đã mang lại những tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân đang sản xuất lúa ở những vùng đất sâu trũng, sình bùn sản xuất kém hiệu quả.

Kim Thịnh

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh