Toàn cảnh hội thảo

 

Theo Cục Kinh tế hợp tác, hiện nay vùng ĐBSCL có diện tích cây ăn quả 400 nghìn ha (chiếm gần 40% diện tích cả nước), sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn (chiếm 60% cả nước); giá trị sản xuất của cây ăn trái 48.651 tỷ đồng (chiếm 48% giá trị sản xuất cây ăn trái cả nước). Mức độ cơ giới hoá sản xuất cây ăn trái mới tập trung ở một số khâu như chuẩn bị đất trồng, tưới, chăm sóc (phun thuốc bảo vệ thực vật, làm cỏ) và chế biến, bảo quản. Khâu thu hoạch, bao trái cây, xới đất bón phân (xoài) chủ yếu vẫn làm thủ công.

Hầu hết diện tích cây ăn trái vùng ĐBSCL được canh tác trên các liếp nên gây khó khăn cho cơ giới hoá. Ngoài ra với mỗi đối tượng cây ăn trái lại phải áp dụng máy móc, thiết bị, công nghệ khác nhau. Thực tế vẫn còn thiếu những loại máy phù hợp, bảo đảm về chất lượng, số lượng phục vụ cơ giới hóa sản xuất cây ăn quả.

Hội thảo là dịp để các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm về việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trái cây. Đồng thời, giúp cho ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL tìm ra những giải pháp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung là sản xuất trái cây, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm sản đến năm 2030 theo Quyết định số 858/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chia sẻ tại hội thảo, đại diện Viện cây ăn quả miền Nam đề xuất, để việc áp dụng cơ giới hóa thuận lợi, các địa phương cần quy hoạch vùng trồng cây ăn quả tập trung hướng tới phát triển thành vùng chuyên canh; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng; nâng cấp cơ sở hạ tầng; các vườn cây ăn trái cần được thiết kế phù hợp tích hợp đồng bộ các giải pháp kỹ thuật…

PGS.TS. Phạm Anh Tuấn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch cho biết, thời gian qua, Viện cùng một số trường đại học, công ty đã và đang tiến hành nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng thử nghiệm một số thiết bị, máy phục vụ cơ giới hoá cây ăn trái phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng ĐBSCL như: máy lên luống kết hợp phủ nilong; máy rạch hàng trồng dứa (áp dụng đối với hình thức trồng trên lô và đất tương đối phẳng); máy trồng chuối; máy xử lý thân, lá và gốc chuối sau thu hoạch; thiết bị phun thuốc bảo vệ thực vật; thiết bị hỗ trợ thu hoạch và vận chuyển buồng chuối từ nơi thu hoạch đến nhà xưởng sơ chế… Thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục tập trung nghiên cứu hoàn thiệt thiết kế, công nghệ chế tạo các máy, thiết bị phục vụ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất những đối tượng cây ăn trái chủ lực có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh. 

Trái cây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của Việt Nam. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm sức lao động, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh cần phải tăng cường sử dụng, ứng dụng các máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất, thu hoạch trái cây.

BBT

Xem thêm tin hội thảo trên các báo:

Báo Nhân dân

Báo Nông nghiệp Việt Nam

Báo Kinh tế Sài Gòn online