Đây là tín hiệu tốt để huyện Quỳnh Nhai tiếp tục thực hiện chủ trương trồng và phát triển cây mắc ca, giúp các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân trên địa bàn yên tâm đầu tư phát triển diện tích mắc ca theo hướng bền vững.

Tính đến tháng 6 năm 2023 huyện Quỳnh Nhai đã trồng được 327,1 ha cây mắc ca và thu hút được 02 đơn vị doanh nghiệp đầu tư phát triển trồng cây mắc ca trên địa bàn là Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La thực hiện tại tại địa bàn Mường Chiên với diện tích 68 ha; HTX Mường Giôn trồng được 250 ha; ngoài ra các hộ dân thực hiện trồng tại các xã Chiềng Khay 7,6 ha, Chiềng Ơn 01 ha và Chiềng Khoang 0,5 ha…

Theo đánh giá sơ bộ, cây mắc ca là loại cây thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Diện tích cho thu hoạch tại địa bàn năm 2023 đạt khoảng 06 ha, năng suất trung bình ước đạt từ 15 - 20 tạ/ha, sản lượng quả ước đạt 09 tấn quả tươi. Xác định, phát triển cây mắc ca bền vững là một trong những nội dung phát triển kinh tế nông nghiệp cần tập trung thực hiện. Huyện Quỳnh Nhai đã và đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung kiểm tra, rà soát các diện tích trồng cây kém hiệu quả để tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng cây mắc ca và một số loại cây trồng có giá trị kinh tế khác. Đây là bước đi quan trọng  của huyện trong thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương.

leftcenterrightdel
Cây mắc ca được trồng giáp ranh địa bàn hai xã Mường Chiên, Chiềng Khay - huyện Quỳnh Nhai 

Phó trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, ông Điêu Chính Hải thông tin: Để phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện giai đoạn 2018 - 2023 và định hướng đến năm 2030, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã tham mưu cho UBND huyện tập trung thực hiện phát triển cây mắc ca hướng tới mục tiêu đưa cây trồng này thành ngành hàng chính, góp phần phục hồi, tăng độ che phủ rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Từng bước phát triển và mở rộng diện tích cây mắc ca gắn với phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho sản phẩm mắc ca tại địa phương.

Thực hiện chủ trương của tỉnh Sơn La về phát triển cây mắc ca đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La đầu tư trồng, phát triển cây mắc ca với quy mô diện tích trên 161,2ha tại huyện Quỳnh Nhai. Dự án được đưa vào trồng tại địa bàn xã Mường Chiên từ năm 2018 và đến nay đã thực hiện trồng được 68 ha, với hơn 17.000 cây, gồm 7 dòng giống: QN1, A38, 800, 246, 849, 816, 842, mật độ trồng 280 cây/ha. Cây mắc ca tại địa bàn huyện Quỳnh Nhai dưới dạng mô hình nông, lâm nghiệp, đã và đang dần khẳng định là cây đa mục tiêu, mang lại lợi ích cao về kinh tế, xã hội và môi trường, có tiềm năng trở thành cây trồng mới góp phần nâng cao giá trị sản xuất và xuất khẩu trên thị trường trong và ngoài nước. Với tốc độ sinh trưởng và cho quả tốt như hiện nay, loài cây này đang hứa hẹn sẽ trở thành loại cây trồng đa mục đích chủ lực của huyện và của tỉnh trong xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

leftcenterrightdel
 Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai

Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La, ông Dương Văn Đạt cho biết: Hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn xã Mường Chiên cũng như huyện Quỳnh Nhai nói chung đã thực hiện triển khai từ năm 2018 và cho đến thời điểm này đã dần khẳng định cây mắc ca phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Năm 2023, công ty có khoảng 2.000 cây bắt đầu được thu hoạch, sản lượng ước tính khoảng 3 tấn quả tươi với đơn giá khoảng 30 đến 35 nghìn đồng/kg quả tươi. Dự kiến từ nay đến năm 2026 sẽ cho thu hoạch khoảng 10.000 cây.

Trên cơ sở thực tiễn của địa phương, ngành Nông nghiệp huyện Quỳnh Nhai đặt ra mục tiêu cụ thể giai đoạn tiếp theo trồng khoảng 300 ha diện tích mắc ca; trong đó, trồng trên đất lâm nghiệp 102 ha; đất sản xuất nông nghiệp và trồng cây lâu năm 105 ha; Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La trồng thêm 93 ha. Kế hoạch đầu tư phát triển cây mắc ca của Công ty cổ phần Liên Việt Sơn La trên địa bàn xã Mường Chiên, Chiềng Khay là 241,44 ha, trong đó diện tích đã hoàn thiện hồ sơ giao đất 161,2 ha, diện tích đã thực hiện trồng 68 ha, diện tích 93,2 tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND xã Chiềng Khay, Quỳnh Nhai, Sơn La, ông Lò Văn Toản  cho biết: Cây mắc ca trồng trên địa bàn xã Chiềng Khay từ 2018 với diện tích 07 ha và 30 hộ gia đình tham gia. Hộ nhiều nhất trồng khoảng 03 ha. Để cây mắc ca sinh trưởng và phát triển tốt, UBND xã cũng đã tích cực tuyên truyền, tập huấn, vận động nhân dân trồng và chăm sóc cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Xã cũng tích cực tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn mua cây giống từ các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất; tăng thu nhập, xây dựng nông thôn mới...

Còn tại xã Mường Chiên, toàn xã đã trồng được 161 ha. Hiện nay, 63 ha đã cho ra quả bói. Theo chủ trương của tỉnh, của huyện, xã đang rà soát quy hoạch thêm 260 ha để mở rộng diện tích, kết hợp với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để nâng mức sống của người dân trên địa bàn xã…

Hiện nay, mắc ca đang là cây trồng mới, người dân chưa mạnh dạn đầu tư trồng và phát triển. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất còn thiếu; người dân trong huyện điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nên việc đầu tư phát triển trồng cây ăn quả, cây mắc ca còn nhiều hạn chế. Huyện cũng đã và đang chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca để người dân áp dụng vào thực tế. Đến nay, một số diện tích đã cho thu hoạch với năng suất ổn định, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người dân và doanh nghiệp. Đây là tín hiệu khả quan để địa phương có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể trong việc đưa cây mắc ca trở thành loại cây kinh tế bền vững trong thời gian tới.

Phó chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai, Sơn La, ông Cầm Văn Huy cho biết: UBND huyện Quỳnh Nhai đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong chủ trương phát triển cây mắc ca. Qua khảo sát thực tế tại các diện tích mà doanh nghiệp cũng như nhân dân các xã đã canh tác thấy rằng, triển vọng kinh tế từ cây mắc ca là hoàn toàn có cơ sở. Mắc ca là cây có khả năng chịu được sương muối, chịu hạn, ít sâu bệnh và có khả năng trồng xen lẫn với một số loại cây trồng khác ...

Tin tưởng rằng, trên cơ sở đúc kết các kinh nghiệm trong đầu tư phát triển cây ăn quả và phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Quỳnh Nhai sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình trồng, phát triển mắc ca phù hợp với điều kiện thực tế địa phương nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp nói chung và cây mắc ca nói riêng theo đúng định hướng của tỉnh. Sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, những tín hiệu khả quan về kinh tế của cây mắc ca tại huyện Quỳnh Nhai sẽ là cơ sở quan trọng để người dân phát huy lợi thế đưa cây mắc ca vào canh tác bền vững; góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường sinh thái; giúp người dân vươn lên làm giàu và xây dựng nông thôn mới./…

Văn Thiệu

Trung tâm TT-VH huyện Quỳnh Nhai