Năm 2018 nhận thấy một số diện tích ở những vùng sâu, vùng thấp trồng lúa kém hiệu quả, Hợp tác xã Hòa Đồng đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ xã chọn thí điểm vùng Bầu Ao (diện tích 2,4 ha) thuộc diện sản xuất lúa bấp bênh để vận động người dân thực hiện chuyển đổi cây trồng sang trồng cây sen. Các hộ đăng ký thực hiện chuyển đổi thí điểm được hỗ trợ giống, thuốc diệt ốc, khoan giếng, hướng dẫn kỹ thuật canh tác… Mô hình thực hiện thành công là cơ sở để vận động người dân nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn xã đối với những vùng sản xuất lúa không hiệu quả. Đến nay toàn xã đã chuyển đổi được 15,4 diện tích đất trồng sen tương đối ổn định. Việc chuyển đổi cây lúa sang trồng sen cho thấy hiệu quả rõ rệt của mô hình này, thu nhập của bà con từ cây sen cao hơn nhiều lần so với trồng lúa trước đây trên các vùng trũng, thấp; một số hộ dân ở thôn Vinh Ba kết hợp giữa trồng sen và tổ chức các dịch vụ ăn uống, du lịch sinh thái trải nghiệm bên cạnh làng nghề truyền thống đem lại thu nhập cao hơn.

Người dân đã kết hợp trồng sen với dịch vụ du lịch sinh thái đem lại nguồn thu nhập cao

 

Đại diện hộ dân trồng sen - ông Võ Ngọc Hưởng ở thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng cho biết: Để nâng cao hiệu quả, liên kết theo chuỗi sản xuất, nhất là bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra, hợp tác xã liên hệ trực tiếp và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 13 hộ thành viên tham gia sản xuất trồng sen theo tiêu chuẩn VietGAP, diện tích 2,4 ha ở thôn Phú Diễn Ngoài. Các hộ trồng sen tự tổ chức hoạt động kinh doanh ẩm thực trà hoa sen, nhụy sen,… để thu hút khách tham quan và tăng thu nhập. Ông Hưởng cho biết thêm trong năm 2021 gia đình ông là một trong tổng số 32 hộ dân được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Cơ quan liên hợp quốc về bình đẳng giới (UN women) hỗ trợ hơn 3 triệu đồng, giúp ông có thêm nghị lực để đầu tư thêm vào việc trồng sen.

Theo ông Võ Bá Đạt - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Đồng cho biết: Hiện nay mô hình trồng sen chuyển đổi có hiệu quả, hợp tác xã thu mua hom giống của bà con để mở rộng mô hình trồng sen. Nguyên liệu khi đã thu hoạch hợp tác xã mua về chế biến thành một số mặt hàng như: bột hạt sen, tim sen, hạt sen lức khô… Hiện sản phẩm bột hạt sen đã được UBND tỉnh cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao, được Chủ tịch UBND tỉnh chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021. Sản phẩm đã có mặt tại siêu thị Coopmart, siêu thị Đà Nẵng, trên hệ thống shopee, thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể… Hợp tác xã đã có đầy đủ máy móc thiết bị phục vụ cho dây chuyền sản xuất kinh doanh sản phẩm từ hạt sen, gồm: máy sấy, máy xay, máy nghiền, đóng bao…, với quy trình sản xuất khép kín. Trong 3 năm chuyển đổi mô hình trồng sen, Hợp tác xã đã đạt được một số kết quả như sau: Năm 2019 doanh thu các sản phẩm từ sen đạt 100 triệu đồng; Năm 2020 doanh thu đạt 150 triệu đồng; Năm 2021 doanh thu đạt 250 triệu đồng; bình quân thu nhập của người dân trồng sen cao gấp 3 lần so với trồng lúa.

Hội nghị đánh giá kết quả mô hình trồng sen tại xã Hòa Đồng

 

Trong những năm tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành đoàn thể trong xã vận động các hộ dân tiếp tục chuyển đổi, mở rộng diện tích trồng sen theo hướng quy hoạch những vùng sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng sen đối với những vùng đất trũng, thấp để đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Hướng đến toàn bộ các hộ dân trong xã tham gia sản xuất cây sen theo tiêu chuẩn VietGAP, hợp tác xã liên hệ và ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đối với toàn bộ các hộ dân này. Hoàn thiện hơn nữa về mẫu mã, bao bì và giữ vững chất lượng sản phẩm. Liên kết với các Hợp tác xã khác trên địa bàn huyện để làm vệ sinh cung cấp đầu vào từ hạt sen đến bông sen, nhụy sen, lá sen… để sản phẩm sen ngày càng phong phú hơn. Duy trì diện tích sen hiện có là 15,4 ha và chuyển đổi mở rộng thêm diện tích trồng sen và phấn đấu đến năm 2025 nâng diện tích trồng sen trong toàn xã lên 40 ha để đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu tại chỗ cho việc chế biến các sản phẩm sen theo hướng mở rộng quy mô sản xuất, chế biến và cung cấp các sản phẩm sen đáp ứng nhu cầu thị trường. Đi đôi với việc mở rộng diện tích trồng sen, địa phương quan tâm, chú trọng đến chất lượng của sản phẩm để tạo sự cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, sẽ tập trung hướng dẫn cho các hộ dân trồng sen ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khâu trồng, chăm sóc thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xây dựng sản phẩm sen chất lượng cao, sạch, thân thiện với môi trường.

Về định hướng kết nối thương mại, du lịch sinh thái trên địa bàn thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng hiện nay trên địa bàn thôn có khoảng 5 ha ruộng lúa được các hộ dân chuyển đổi sang trồng sen, diện tích chuyển đổi trồng sen nằm giữa làng nghề truyền thống đan lát, ngoài mục đích trồng sen để lấy hạt chế biến ra các sản phẩm từ sen, cây sen còn có ưu điểm tạo ra cảnh quan đẹp, vì vậy, một số hộ dân trong thôn đã biết kết hợp mô hình chuyển đổi trồng sen với kinh doanh các dịch vụ trên những ruộng sen, đã thu hút nhiều người đến tham quan, trải nghiệm, thưởng thức hương vị đồng quê. Bắt đầu từ đây đã dần hình thành điểm tham quan du lịch, trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực đồng quê. Phát huy ưu thế vốn có, trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu trong thời gian đến địa phương sẽ tập trung đầu tư để xây dựng khu dân cư làng nghề truyền thống thôn Vinh Ba thành điểm du lịch thái, trải nghiệm làng nghề truyền thống, thưởng thức các món ẩm thực địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi toàn bộ diện tích đất 2 lúa sản xuất không hiệu quả và một số loại cây trồng khác thuộc vùng ruộng làng nghề thôn Vinh Ba sang trồng sen, nâng tổng số diện tích trồng sen trên địa bàn thôn lên 15 ha để đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến các sản phẩm từ sen, đồng thời vừa tạo điểm đến cho khách tham quan du lịch sinh thái. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân phát triển, mở rộng các dịch vụ quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống, các sản phẩm từ sen, trải nghiệm đồng sen, làng nghề truyền thống, các món ẩm thực của địa phương.

Ông Phan Công Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Hòa nhận định, thị trường sau sen lớn, là cơ hội tốt để bà con phát triển, mở rộng diện tích trồng sen. Ông đề nghị HTX Nông nghiệp KDDV Hòa Đồng là trung tâm đầu mối tiên phong để các HTX còn lại trong huyện là vệ tinh trong phát triển sản phẩm sen.

UBND xã Hòa Đồng phối hợp với HTX tính toán đầu vào, đầu ra cho bà con trồng sen. Với mong muốn nâng cao giá trị sen Hòa Đồng nói riêng và Tây Hòa nói chung, UBND huyện cũng đề nghị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sen Đại Việt kết nối, giúp đỡ, hỗ trợ giống, hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc, bảo quản, chế biến sen và liên kết thu mua các sản phẩm từ sen để tạo điều kiện cho bà con có thu nhập cao hơn so với với các cây màu khác.

Với những hiệu quả và lợi ích mang lại từ cây sen như tận dụng được nguồn đất thấp trũng để sản xuất, góp phần cải thiện môi trường tạo cảnh quang và giúp tạo công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi ở các địa phương. Hy vọng trong thời gian tới, cùng với sự giúp đỡ của các ngành, người trồng sen trên địa bàn huyện sẽ có nguồn thu nhập ổn định để góp phần nâng cao chất lượng đời sống và xây dựng nông thôn mới ở quê hương Tây Hòa.

Trần Nguyễn Lâm Viên

Trạm Khuyến nông huyện Tây Hòa, Phú Yên