Diễn đàn có sự tham dự của ông Lê Quốc Doanh, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam; ông Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Việt Nam; ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hoá; ông Võ Duy Sang, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại Thanh Hoá cùng lãnh đạo Hội Làm vườn và hội viên tiêu biểu các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Thái Bình, Phú Thọ và TP Hà Nội.
|
|
Ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam phát biểu khai mạc diễn đàn |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Lê Quốc Doanh, Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam nhận định, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng KHCN, chuyển đổi số và liên kết sản xuất, do lĩnh vực VAC với đặc điểm quy mô nhỏ lẻ, phân tán; năng suất, chất lượng sản phẩm còn hạn chế, tổ chức liên kết sản xuất và hiệu quả chưa cao. Đặc biệt, tác động của biến đổi khí hậu, diễn biến thị trường ngày càng phức tạp đã tác động rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, trong đó có kinh tế VAC.
“Nhận thức được như những thách thức đang đặt ra cho phát triển kinh tế VAC, Hội Làm vườn Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các bên liên quan tổ chức Diễn đàn quan trọng này, để cùng nhìn nhận lại một cách đầy đủ hơn những thành tựu, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đồng thời nhận diện một cách đầy đủ những tồn tại, hạn chế, thách thức, từ đó xác định giải pháp căn cơ trước mắt cũng như lâu dài để ứng dụng KHCN, CĐS và liên kết chuỗi giá trị để phát triển kinh tế VAC” - ông Doanh nói.
|
|
Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn |
Báo cáo tại diễn đàn cho thấy, việc thúc đẩy ứng dụng KHCN, CĐS và liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng tất yếu để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của kinh tế nông nghiệp. Theo đó, các địa phương miền Bắc được xem là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp trong lĩnh vực VAC, dựa trên sự phong phú về tài nguyên, các chính sách hỗ trợ người dân ngày càng có nhiều kinh nghiệm.
Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hoá cho biết, đến nay, toàn tỉnh có 508 sản phẩm OCOP, trong đó có 450 sản phẩm OCOP 3 sao, 57 sản phẩm OCOP 4 sao, 1 sản phẩm OCOP 5 sao. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá tại các cơ sở sản xuất và các chủ thể OCOP cho thấy, sản phẩm sau khi được công nhận xếp hạng OCOP cấp tỉnh đều tăng trưởng cả về quy mô, số lượng và doanh thu bán hàng, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Để đạt được những kết quả nêu trên, việc ứng dụng KHCN trong sản xuất, tăng cường liên kết chuỗi và ứng dụng CĐS đóng vai trò quan trọng.
Bước đầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng KHCN, CĐS và liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản. Các mô hình này đều sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, ứng dụng kỹ thuật sinh học, công nghệ tự động hoá, cơ giới hoá vào tất cả các khâu trong quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế biến và bảo quản sản phẩm. Đồng thời kết hợp ứng dụng công nghệ số vào trong quá trình quản lý, điều hành sản xuất.
|
|
Thanh Hoá đã hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng KHCN, CĐS và liên kết chuỗi giá trị trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản |
Từ thực tiễn trên, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa đánh giá cao ý nghĩa của Diễn đàn, đồng thời cho rằng, đây là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, cung cấp cho nông dân những kiến thức mới nhằm thay đổi tư duy, đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp thời kỳ mới.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thảo luận, tư vấn các giải pháp nhằm thúc đẩy 3 nội dung (1) ứng dụng KHCN, (2) chuyển đổi số và (3) liên kết chuỗi giá trị; đồng thời làm rõ mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau giữa các yếu tố trên trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó tạo ra bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế VAC nói riêng và kinh tế nông nghiệp nói chung. Cùng với đó, các đại biểu hội viên hội làm vườn đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của Nhà nước đối với hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị trong nông nghiệp. Những khó khăn vướng mắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và liên kết chuỗi giá trị tại cơ sở. Qua đó, các đại biểu đã đề xuất, kiến nghị các nội dung, biện pháp để hỗ trợ, khắc phục.
|
|
Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn |
Phát biểu tại diễn đàn, TS. Phan Huy Thông, Phó Chủ tịch thường trực Hội Làm vườn Việt Nam cho biết: Trước những tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quá trình đô thị hoá và biến đổi khí hậu, cùng những yêu cầu khắt khe của thị trường… đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn đối với sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp vừa là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, đồng thời là giải pháp có tính quyết định để tạo sự bứt phá về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nông phẩm, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đảm bảo sự phát triển bền vững của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam.
Nhận thức rõ những vấn đề này, Đảng, Nhà nước, ngành nông nghiệp đã ban hành, hoàn thiện các chủ trương, luật pháp, cơ chế, chính sách phát triển khoa học công nghệ, đưa khoa học công nghệ thực sự là "quốc sách hàng đầu" trong quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các chủ trương, chính sách đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu chuyển giao ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm đặc biệt. Những quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa có ý nghĩa định hướng, vừa tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN, đổi mới sáng tạo vào sản xuất nông nghiệp ở nước ta.
Trong khuôn khổ chương trình Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp, buổi chiều ngày 18/7/2024, các đại biểu đã đi tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại mô hình Trang trại tổng hợp hữu cơ Thiên Trường 36 (xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) và Trang trại Queen Farm (thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa). Đây là hoạt động ý nghĩa nhằm tạo điều kiện cho các đại biểu, hội viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá và các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Hà Nội, Thái Bình và Phú Thọ được tiếp cận, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, liên kết chuỗi gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình canh tác theo hướng hữu cơ... Từ đó, mạnh dạn tham mưu, đề xuất áp dụng vào hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trong nông nghiệp tại địa phương.
|
|
Các đại biểu tham quan, học tập kinh nghiệm thực tế tại nhà máy chế biến bột rau má của Trang trại Queen Farm |
Ánh Nguyệt