Những năm vừa qua, ngành Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án, dự án, kế hoạch liên quan đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm kịp thời khuyến khích việc nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật từ đó nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nông sản trên địa bản tỉnh, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện tại, toàn tỉnh có 217 cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó tỷ lệ cơ sở chăn nuôi và thủy sản tăng nhiều đặc biệt đã có các cơ sở sản xuất, chế biến ứng dụng công nghệ cao; có 65 cơ sở được chứng nhận VietGAP hoặc an toàn thực phẩm; có 1.539/1797 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông thủy sản được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm; 13 điểm kinh doanh được cấp giấy chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; 113 cơ sở thực hiện công bố chất lượng cho 225 sản phẩm nông thủy sản; 69 cơ sở được chúng nhận VietGAP.

Ngành Nông nghiệp luôn chú trọng việc hỗ trợ ứng dụng các giống mới, chất lượng góp phần đẩy mạnh cơ cấu cây trồng tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng cao giá trị. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh  đã có trên 80% diện tích lúa, 70% diện tích ngô, 40% diện tích cây ăn quả… sử dụng giống mới. Các mô hình đã tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất như sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ khoáng, phân bón lá khoáng sinh học, các chế phẩm sinh học ủ phân… nhằm tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn cho người sử dụng.

Bên cạnh đó việc chú trọng, ưu tiên hỗ trợ phát triển các Chương trình như cải tạo đàn bò, nạc hóa đàn lợn, tăng tỷ lệ đàn bò lại; chuyển đổi diện tích sản xuất trồng trọt hiệu quả thấp sang trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi, đem lại lợi nhuạn cho người nông dân cũng được ngành Nông nghiệp quan tâm. Trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình chăn nuôi lợn, gia cầm theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học như trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc công nghệ cao của công ty TNHH Chăn nuôi Buntaphan Quảng Bình, trang trại chăn nuôi của công ty TNHH Tabico, trang trại vỗ béo bò thịt của coog ty TNHH Lê Dũng Linh.

Trên lĩnh vực thủy sản, song song với việc sản xuất các giống truyền thống, ngành Nông nghệp đã hỗ trợ một số mô hình thử nghiệm sản xuất giống đối với các đối tượng mới có tiềm năng như cá đối mục, tiếp nhận công nghệ sản xuất và sinh sản nhân tạo thành công các đối tượng có giá trị như cá bớp, cá lăng chấm, lươn… Sử dụng rộng rãi chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường ao nuôi thay thế việc xử lý bằng hóa chất, sử dụng các loại chế phẩm sinh học bổ sung men đường ruột để hỗ trợ tiêu hóa giảm hệ số thức ăn, nâng cao sức đề kháng phòng trừ dịch bệnh như công ty cổ phần Đức Thắng, Thanh Hương, Công ty TNHH Hưng Biển đã đầu tư nuôi tôm trên cát áp dụng công nghệ hiện đại như Bio-floc, ít thay nước sử dụng chế phẩm sinh học EM, Probiotic, ionAg+…

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh nhiều mô hình đã ứng dụng công nghệ trong quy trình sản xuất như ứng dụng kỹ thuật canh tác không dùng đất như thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, công nghệ tưới phun, tưới nhỏ giọt; công nghệ nhà lưới, nhà màng có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động; các quy trình sản xuất tiên tiến, quy trình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ được áp dụng rộng rãi. Tính đến nay, ngành Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ xây dựng mới 50 nhà màng sản xuất rau, quả VietGAP; diện tích canh tác theo hướng hữu cơ khoảng 2.700ha. Nhiều mô hình sử dụng công nghệ tự động hóa, bán tự động trong quá trình trồng trọt, chăn nuôi thủy sản; công nghệ sấy lạnh, sấy nhanh trong bảo quản, chế biến nông sản... Bước đầu tiếp cận công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại.

leftcenterrightdel

Đẩy mạnh sản xuất rau quả VietGAP ứng dụng công nghệ cao tại Quảng Bình

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp và PTNT luôn chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất và thương mại sản phẩm, ưu tiên tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP trên nền tảng số, góp phần thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp.

Trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tập trung ứng dụng chuyển giao nhanh các giống mới năng suất, chất lượng, thích nghi vào sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; phát huy tốt liên kết giữa các “nhà” (nhà nước-nhà khoa học-nhà nông-nhà doanh nghiệp-nhà băng-nhà báo) nhằm gắn sản xuất với chế biến tiêu thụ, mở rộng thị trường, hình thành chuỗi liên kết bền vững; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại.

leftcenterrightdel
 Ứng dụng chuyển đổi số phát triển các sản phẩm OCOP, nâng cao giá trị sản phẩm

Thùy Trang

Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình