Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, những năm qua, cùng với phát triển sản xuất công nghiệp, tỉnh luôn chú trọng tới phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, coi đây là khâu then chốt để tạo bước đột phá, là nền tảng của nền nông nghiệp hiện đại và bền vững. Trong đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ về hạ tầng, ứng dụng công nghệ số như phần mềm truy xuất nguồn gốc cây trồng, vật nuôi; tem truy xuất nguồn gốc, giám sát và hỗ trợ đăng ký mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sản phẩm, cơ sở dữ liệu thủy lợi,... hỗ trợ phát triển sản xuất trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp giúp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cài đặt phần mềm cho 247 cơ sở sản xuất cây ăn quả với tổng diện tích trên 1.728 ha. Trong năm 2022, toàn tỉnh có 3 vùng trồng (sầu riêng, xoài thái, chuối) và 2 cơ sở đóng gói (chuối) được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 24 vùng trồng và 4 cơ sở đóng gói được cấp và sử dụng mã số xuất khẩu.

Đồng thời, triển khai thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại mang lại hiệu quả cao như: mô hình sản xuất bí hữu cơ trong nhà màng tại ấp Phước Lợi 2, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu; mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng; mô hình ứng dụng công nghệ sinh học - nhân giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tại khu phố Ninh Lộc, phường Ninh Sơn, TP Tây Ninh; ứng dụng công nghệ trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh, tại xã Hòa Hội, huyện Châu Thành; mô hình sản xuất mãng cầu VietGAP

Lĩnh vực chăn nuôi có 8/128 trang trại heo, 4/35 cơ sở giết mổ tập trung sử dụng phần mềm TE-food để truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tích hợp cơ sở dữ liệu hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, xây dựng hệ thống quản lý thông tin hiện đại và đồng bộ, liên kết chặt chẽ trong việc quản lý vận hành, khai thác công trình thủy lợi và bảo vệ công trình phục vụ sản xuất. Ứng dụng phần mềm Citywork để quản lý khách hàng sử dụng nước sạch khu vực nông thôn, in hoá đơn thu tiền nước trên 69 công trình cấp nước tập trung.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng vẫn còn hạn chế: sản xuất về cơ bản vẫn là nhỏ lẻ, manh mún; tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn thấp; việc ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, nhất là áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến vào sản xuất để tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm còn ít...

Theo ông Trương Tấn Đạt – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc thực chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp tỉnh đang ở giai đoạn đầu nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều lúng túng

Trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chuyển đổi số trong nông nghiệp, Sở NN&PTNT đề nghị các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác truyền thông chính sách chuyển đổi số trong nội bộ ngành; rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi số giai đoạn đến năm 2025 phù hợp với tình hình địa phương, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời, Sở cũng sẽ thực hiện xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Nông nghiệp về quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; dữ liệu về trồng trọt, chăn nuôi, công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai; dữ liệu các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến nông lâm thủy sản...; ứng dụng công nghệ thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, đất đai, các quy trình sản xuất an toàn, sản xuất hữu nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và quản lý chất lượng nông sản; thực hiện cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, tem truy xuất để minh bạch nguồn gốc và thúc đẩy tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp tiếp tục tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX và người dân kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản, phát triển thương mại điện tử, trước hết tập trung cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh; kêu gọi, thu hút các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đầu tư vào chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe ông Dương Ngọc Hiếu – Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Điện toán – Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và giải pháp kho dữ liệu dùng chung; ông Trần Trung Hiếu – Chuyên viên Trung tâm Kinh doanh VNPT Tây Ninh trình bày Giải pháp hệ thống thông tin chuyên ngành nông nghiệp và đại diện Viettel trình bày giải pháp phục vụ chuyển đổi số cho Sở NN&PTNT Tây Ninh.

Dịp này, Sở NN&PTNT trao 34 giấy chứng nhận các sản phẩm OCOP năm 2022 cho các chủ thể trên địa bàn tỉnh. Trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao và 21 sản phẩm đạt 3 sao.

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh