Dự án “Xây dựng mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa ở phía Nam” được thực hiện trong 03 năm (2017 – 2019) trên địa bàn 07 tỉnh: Vĩnh Long, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang, Bình Thuận và Tây Ninh (2017, 2018), Hậu Giang (2019). Tham dự hội thảo có 172 đại biểu đến từ 07 tỉnh tham gia dự án, trong đó 120 đại biểu là nông dân.
Toàn cảnh hội thảo
Qua 3 năm thực hiện, Dự án đã xây dựng 18 mô hình cánh đồng lớn thâm canh và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa. Dự án hỗ trợ sản xuất lúa theo cánh đồng lớn thâm canh 50 ha, riêng năm 2019 hỗ trợ 72 ha. Đã hỗ trợ 22 máy cấy, trong đó có 13 máy cấy tự hành (4 bánh ngồi lái) và 09 máy cấy 2 bánh đi bộ cho 07 địa phương triển khai tại 21 điểm mô hình; hỗ trợ 160 bình phun động cơ cho 7 địa phương triển khai tại 16 điểm mô hình; năng suất lao động máy cấy đảm bảo từ 1 – 1,2 ha/ngày (đối với máy cấy 2 bánh) đến 3 – 4 ha/ngày (đối với máy cấy 4 bánh), tăng năng suất lao động từ 10 lần (đối với máy cấy 2 bánh) đến 20 lần (đối với máy cấy 4 bánh); năng suất lao động bình phun động cơ 5 – 6ha/ngày, tăng 05 lần so với bình phun thông thường.
Bên cạnh việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn, trong 3 năm dự án đã tổ chức 76 lớp tập huấn trong và ngoài mô hình với 2.840 học viên tham gia. Sau khi tập huấn, nông dân có thể vận dụng kiến thức từ lớp học và từ kinh nghiệm thực tiễn sản xuất để áp dụng tốt vào cánh đồng của mình và chia sẻ trong cộng đồng. Dự án cũng đã tổ chức 38 cuộc hội thảo, hội nghị tổng kết mô hình với 2.893 đại biểu tham dự. Về truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, đã đăng 58 tin/bài, trong đó có: 36 tin/bài đăng trên các báo, tạp chí, trang tin điện tử và 22 tin bài trên sóng các đài phát thanh và truyền hình địa phương và trung ương.
Các đại biểu tham quan mô hình thực hiện dự án tại ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh
Tại hội thảo tổng kết, các đại biểu tham quan mô hình tại ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Qua kết quả của mô hình, các đại biểu đã thấy rõ được tính nổi trội của mô hình sản xuất lúa theo cánh đồng lớn áp dụng cơ giới hóa có liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, mô hình đạt năng suất bình quân trên 6 tấn/ha/vụ, tương đương với thu nhập trên 30 triệu đồng/ha/vụ, sau khi trừ chi phí, lãi thu được bình quân trên 12 triệu đồng/ha. So với mô hình lúa sạ truyền thống, bình quân năng suất tăng 0,55 tấn/ha (11%), tương đương thu nhập tăng thêm khoảng 2,5 triệu đồng/ha, do giảm được chi phí sản xuất như giảm giống, phân bón (phân vô cơ), thuốc BVTV bình quân khoảng 2,9 triệu đồng/ha.
Thông qua cơ giới hóa, mô hình tăng năng suất lao động 5 lần đối với bình phun động cơ; 10 lần đối với máy cấy 2 bánh; 20 lần đối với máy cấy 4 bánh so với lao động thủ công.
Thông qua mô hình liên kết đã tiêu thụ 100% sản lượng lúa thu hoạch với giá bán cao hơn so với ngoài mô hình bình quân 430 đồng/kg. Hiệu quả kinh tế mô hình cao hơn so với sản xuất đại trà từ bình quân khoảng 4,3 triệu đồng/ha (tương ứng tăng 48,3%).
Ngoài ra, mô hình sử dụng lúa cấy còn giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật, công làm cỏ, tiết kiệm phân bón, nước tưới nên có ý nghĩa về bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn cho sản phẩm lúa thu hoạch.
Tại hội thảo, đại biểu và bà con tham dự đã thảo luận về một số hạn chế của dự án như: Tiến độ thực hiện mô hình còn chậm do đa số nông dân còn sản xuất theo lối truyền thống là sạ dày, trong khi mô hình áp dụng cấy thưa nên nông dân còn e ngại; Việc ghi chép nhật ký đồng ruộng, sổ sách theo dõi chưa đầy đủ do nông dân chưa có thói quen ghi chép; Việc chăm sóc lúa cấy nhưng bà con vẫn theo kỹ thuật chăm sóc lúa sạ truyền thống; Điều kiện nhân rộng mô hình cơ giới hóa còn hạn chế do kinh phí đầu tư cao, người dân khó tiếp cận nguồn vốn vay, đầu tư nhiều mà thu hồi vốn chậm.
Từ đó, hội thảo cũng đề ra những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là: Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, ấn phẩm, tài liệu khuyến nông, đặc biệt là tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật thâm canh đối với lúa cấy máy đến người sản xuất; Tiếp tục xây dựng các mô hình trình diễn khuyến nông về cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa; Hỗ trợ và khuyến khích hình thành các tổ sản xuất, dịch vụ ứng dụng cơ giới hóa gieo cấy lúa.
Nguyễn Nhung
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia