Tuy nhiên, thực trạng chăn nuôi của tỉnh hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: chăn nuôi bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và luôn tiềm ần nguy cơ dùng phát. Kèm theo đó là đầu ra không ổn định, việc tiêu thụ sản phẩm thịt lợn còn gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh, thường xuyên bị thương lái ép giá do thiếu sự liên kết giữa các hộ chăn nuôi với nhau tạo thành chuỗi liên kết, hình thành những vùng cung cấp nguyên liệu thịt lợn.
Xuất phát từ thực tiễn sản xuất, Trung tâm Khuyến nông Nam Định đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình vùng nguyên liệu chuỗi thịt lợn an toàn” trên địa bàn các huyện Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường từ nguồn kinh phí khuyến nông trung ương giai đoạn 2022 – 2024. Trong quá trình triển khai, dự án đã tập huấn cho 100% các hộ tham gia thực hiện mô hình về quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn thịt an toàn sinh học, kỹ thuật làm đệm lót chuồng nuôi lợn, bổ sung chế phẩm sinh học vào trong thức ăn, nước uống. Ngoài ra còn hỗ trợ các hộ ký kết với công ty để tiêu thụ sản phẩm. Các hộ tham gia thực hiện mô hình được Nhà nước hỗ trợ 50% thức ăn, vắc-xin, hóa chất sát trùng pha loãng, chế phẩm sinh học.
Kết quả sau 3 năm triển khai, dự án đã đạt được các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đề ra. Đàn lợn trong mô hình đạt tỷ lệ nuôi sống 100%. Khối lượng cơ thể xuất bán trung bình từ 113,2 – 116,5 kg/con. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng 2,46. Tăng khối lượng gram/con/ngày là 749. Hiệu quả kinh tế các hộ trong mô hình cao hơn ngoài mô hình 21,4%. Khả năng nhân rộng mô hình là 42 – 46,3% so với quy mô dự án. Toàn bộ số lợn trong mô hình được Công ty TNHH Công Danh thu mua và chế biến sâu thành các sản phẩm như xúc xích, lạp xưởng, giò, chả….
    |
 |
Bàn giao thức ăn chăn nuôi cho các hộ thực hiện mô hình |
Dự án đã giúp hình thành vùng chăn nuôi lợn thịt tập trung gắn với chuỗi liên kết tại địa phương; năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm được nâng cao. Việc triển khai và nhân rộng mô hình góp phần nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi về kỹ thuật chăn nuôi lợn an toàn sinh học, từ đó đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi, giảm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Mô hình được các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và các hộ chăn nuôi trong và ngoài mô hình đánh giá cao. Thông qua mô hình giúp kiểm soát dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đồng thời đẩy mạnh liên kết theo chuỗi, hình thành những vùng cung cấp nguyên liệu thịt lợn góp phần ổn định nghề chăn nuôi tại địa phương
Vũ Văn Mong
Trung tâm Khuyến nông Nam Định