Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành và Nghị quyết số 16 của Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong những năm qua, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng. Bên cạnh những thành quả đạt được thì vẫn còn một số vấn đề cần phải khắc phục, đó là: Nhiều hộ nông dân theo tập quán, thói quen, chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng, sử dụng nguồn giống không rõ xuất xứ, không đảm bảo yêu cầu về mặt chất lượng, chu kỳ khai thác ngắn, chủ yếu trồng rừng để làm nguyên liệu. Điều đó dẫn đến chưa phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh về lâm nghiệp của tỉnh. Vì vậy, việc xây dựng các mô hình khuyến lâm, đặc biệt là các mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật (TBKT) trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh là việc làm rất cần thiết.
Xuất phát từ thực tế trên, trong giai đoạn từ năm 2016-2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa triển khai thực hiện Dự án: “Xây dựng và phát triển mô hình áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung”. Dự án được triển khai tại 4 huyện, gồm Thường Xuân, Ngọc Lặc, Triệu Sơn và Thọ Xuân với quy mô 116 ha và 60 hộ tham gia. Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 50% lượng vật tư phân bón. Khu vực được lựa chọn là những huyện có điều kiện khí hậu, địa hình, đất đai phù hợp với trồng rừng gỗ lớn như độ sâu tầng đất trên 50 cm, độ dốc nhỏ hơn 30 độ, thoát nước tốt…
Mục tiêu của dự án là đưa những giống TBKT vào sản xuất (keo lai mô dòng BV10, BV16, BV32); áp dụng đồng bộ các TBKT từ khâu chọn giống, xử lý thực bì, làm đất, cuốc hố, bón lót đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, phương thức khai thác để tạo thành rừng gỗ lớn.
Sau 3 năm thực hiện (năm 2016- 2018), từ mục tiêu ban đầu đặt ra, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Đã thực hiện được tại 6 xã, 4 huyện với tổng số 60 hộ tham gia được hưởng lợi; tổ chức được 6 lớp tập huấn kỹ thuật về trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh cho 60 hộ tham gia. Thông qua lớp tập huấn giúp các hộ tham gia dự án nắm bắt được kỹ thuật đào hố, lấp hố, kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng gỗ lớn mọc nhanh bằng keo lai nuôi cấy mô. Thực hiện trồng được 116 ha rừng gỗ lớn, sử dụng giống keo lai mô từ các dòng BV10, BV16, BV32.
Tốc độ sinh trưởng của rừng trồng trong mô hình nhanh hơn so với đại trà từ 1,2- 1,5 lần
Từ thực tế cho thấy, do áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật lâm sinh từ khâu đào hố (30cm x 30cm x 30cm), bón phân (0,2 kg/cây), trồng đúng mật độ 1.330 cây/ha (khoảng cách 2,5 x 3m)... nên rừng trồng tại 6 điểm triển khai sinh trưởng tốt hơn so với sản xuất đại trà, phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương. Tỷ lệ sống bình quân đạt 94%, tốc độ sinh trưởng nhanh hơn so với đại trà từ 1,2- 1,5 lần. Qua tính toán sơ bộ của các hộ trực tiếp tham gia mô hình cho thấy, hiệu quả kinh tế của trồng rừng gỗ lớn dự kiến tăng gấp 2-3 lần so với trồng rừng gỗ nhỏ (bán nguyên liệu) với cùng một loại giống. Thông qua việc thực hiện dự án đã góp phần phát triển bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Trong các năm 2017, 2018, người dân đã mở rộng, trồng được trên 300 ha diện tích rừng gỗ lớn bằng giống keo lai mô tại các huyện Thường Xuân, Thọ Xuân, Như Xuân, Như Thanh...
Với những thành công bước đầu của dự án, tin tưởng rằng trong tương lai gần sẽ mang lại hiệu quả cao về mặt kinh tế cho người trồng rừng, được người dân hưởng ứng, chính quyền địa phương ủng hộ. Dự án cũng giúp các cơ quan chức năng, cũng như người dân có đánh giá khách quan về hiệu quả trong việc ứng dụng cây keo lai mô vào trồng rừng gỗ lớn, góp phần đẩy nhanh quá trình đưa các giống mới vào sản xuất, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh rừng gỗ lớn./.
Nguyễn Trọng Minh
Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa