Tham dự hội nghị có TS Trần Văn Khởi – Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, đồng chí Nguyễn Thị Phúc – Vụ Khoa học công nghệ & Môi trường, đồng chí Hoàng Công Đãng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Quảng Ninh cùng gần 100 đại biểu là đại diện các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp & PTNT, các cán bộ khuyến nông và nông dân của 10 tỉnh triển khai dự án.
Toàn cảnh hội nghị tổng kết (Ảnh: ĐT)
Với mục tiêu xây dựng và chuyển giao đồng bộ kỹ thuật về giống, qui trình trồng, chăm sóc rừng bằng các giống bạch đàn lai, keo lai và mỡ đã được công nhận nhằm tăng năng suất rừng trồng gỗ lớn 20% so với các giống đại trà, tăng thu nhập cho người trồng rừng và góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến gỗ. Dự án được triển khai tại 10 tỉnh gồm Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình và Quảng Ninh với quy mô 1.000 ha và 536 hộ tham gia. Thời gian thực hiện từ năm 2016 đến hết năm 2018, sử dụng 03 giống cây (bạch đàn lai, keo lai và mỡ). Các hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, 50% lượng vật tư phân bón. Khu vực triển khai được lựa chọn tại các tỉnh là những huyện có điều kiện khí hậu, địa hình, đất đai phù hợp với trồng rừng gỗ lớn như độ sâu tầng đất trên 50 cm, độ dốc nhỏ hơn 30 độ, thoát nước tốt…
Các đại biểu tham quan mô hình trồng rừng bạch đàn lai tại xã Thượng Uyên Công, Tp Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (Ảnh: ĐT)
Kết quả thực hiện dự án cho thấy các giống cây trong mô hình sinh trưởng và phát triển nhanh gấp từ 1,2-1,5 lần so với cây trồng đại trà; cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, có bộ rễ cọc phát triển; các chỉ số về chiều cao, đường kính gốc đạt tiêu chuẩn và có tỷ lệ sống đạt trên 90%.
Trong quá trình triển khai các hộ tham gia đều được cán bộ khuyến nông hướng dẫn thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật. Việc triển khai mô hình đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế (so với trồng rừng gỗ nhỏ cao gấp 3-4 lần), tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nông dân, giảm xói mòn, rửa trôi đất, đồng thời làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân.
Thành công của dự án cũng cho thấy khả năng nhân rộng của mô hình. Quá trình triển khai thực hiện cũng đã giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương nhận thức rõ hơn trong việc lựa chọn cơ cấu cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ và phát triển bền vững rừng.
Chu Văn Trí
Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh