Đây là hai trong số bốn mô hình khuyến nông (cải tạo đàn bò; sản xuất rau an toàn; trồng cây ăn quả và nuôi thủy sản nước ngọt) thuộc Dự án "Xây dựng Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng" do Chính phủ Việt Nam tài trợ và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là chủ đầu tư.

Toàn cảnh hội nghị

Mô hình được triển khai từ tháng 12 năm 2015 tại tỉnh Xiêng Khoảng, trong đó mô hình sản xuất rau an toàn được triển khai tại bản Don, huyện Mường Pek; mô hình cây ăn quả triển khai tại Trung tâm phát triển nông nghiệp Khang Phọ, huyện Mường Khun. Mô hình sản xuất rau an toàn có quy mô 1 ha gồm các giống rau: cải bắp (0,8 ha), cải xanh các loại (0,2 ha). Mô hình trồng cây ăn quả có quy mô 2 ha với các giống cây ăn quả như nhãn (0,5 ha), bưởi (1 ha), cam (0,5 ha) do 20 hộ thực hiện.

Trong thời gian thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã cử chuyên gia sang tập huấn kỹ thuật và trực tiếp hướng dẫn nông dân cách trồng, chăm sóc theo phương pháp“cầm tay chỉ việc”. Ngoài ra, tham gia mô hình, các hộ được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù có những khó khăn về ngôn ngữ, phong tục tập quán, tuy nhiên với sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao của các chuyên gia khuyến nông Việt Nam, các hộ đã hào hứng thực hiện mô hình.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hướng dẫn kỹ thuật cho bà con tại mô hình trồng cam

Về mô hình sản xuất rau an toàn, sau hơn 1 năm thực hiện cho thấy, cây rau sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh hại. Tại thời điểm tháng 12/2016, đường kính trung bình của cải bắp thu được từ 16 -18cm, trọng lượng đạt bình quân 2,0 kg/cây; có cây đường kính 25 cm, nặng 3,2kg. Giá bán rau cải bắp tại Xiêng Khoảng là 3.000 kíp/kg, hiệu quả cao gấp 2 lần trồng các loại rau khác. Năng suất đạt cao hơn so với yêu cầu đề ra: Cải bắp đạt gần 50 tấn/ha, cải xanh đạt 20 tấn/ha. Chất lượng sản phẩm rau đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ nông dân tham gia. Về mô hình cây ăn quả, đến nay tỷ lệ sống của cây đạt 100%.

Ông Khăm- Xỉ- Chăn- Tha-Vông (bên phải) - Giám đốc Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng kiểm tra thực tế hiệu quả của mô hình trồng rau cải bắp

Hội nghị tổng kết mô hình có sự tham gia của trên 50 hộ nông dân của 2 huyện Mường Pek và Mường Khun, cùng cán bộ khuyến nông và nông nghiệp của tỉnh Xiêng Khoảng. Tại hội nghị, chị Sa-Moon, nông dân tham gia mô hình trồng rau an toàn cho biết, canh tác rau theo kỹ thuật được cán bộ khuyến nông Việt Nam hướng dẫn cho năng suất cao hơn. Thời gian tới, chị mong muốn được hỗ trợ trồng các loại rau có giá cao hơn như súp lơ, su hào… và rau trái vụ như rau muống. Nhiều nông dân khác tại hội nghị cũng mong muốn được tiếp tục được hỗ trợ về kỹ thuật và giống cây ăn quả mới.

Bà Chan-Tha-Ly, đại diện Phòng Trồng trọt - Sở Nông lâm nghiệp tỉnh Xiêng Khoảng cho biết: mô hình sản xuất rau an toàn, mô hình trồng cây ăn quả đã giúp bà con nông dân tỉnh Xiêng Khoảng tiếp cận với quy trình kỹ thuật canh tác nông nghiệp, từ đó thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu. Sở Nông lâm nghiệp tỉnhsẽ  tiếp tục chỉ đạo, có biện pháp cung cấp nguồn giống rau tốt cho bà con nông dân để dần hình thành vùng sản xuất rau hàng hóa. Bà Chan-Tha-Ly cũng bày tỏ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho cán bộ kỹ thuật nông nghiệp và cán bộ khuyến nông tỉnh Xiêng Khoảng.

Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: Tuy thời gian triển khai ngắn nhưng với sự nỗ lực của cán bộ khuyến nông Việt Nam, cán bộ kỹ thuật Lào và chủ mô hình nên các mô hình đã đạt được những mục tiêu đề ra, được người dân ủng hộ và tích cực tham gia. Khi dự án kết thúc, ông đề nghị Sở Nông lâm nghiệp của tỉnh Xiêng Khoảng tiếp tục hỗ trợ hạt giống rau để người dân tiếp tục sản xuất và áp dụng những kỹ thuật đã tiếp thu từ mô hình nhằm phát triển và nhân rộng trong cộng đồng. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Việt Nam) luôn sẵn sàng hỗ trợ tư vấn về mặt kỹ thuật cho các bạn Lào.

Đỗ Tuấn

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia