Tháng 7 năm 2020 trên địa bàn xã Phú Long, huyện Bình Đại xuất hiện đối tượng mới gây hại trên dừa có tên là sâu đầu đen (Opisina arenosella), diện tích bị nhiễm là 2,4 ha tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long. Sau đó, liên tục phát hiện nhiều vườn dừa trên huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách,… cũng bị gây hại.

Bước đầu, các cơ quan chuyên môn đã tìm ra một số phương pháp quản lý tạm thời như cắt tỉa tàu bị nhiễm sâu đầu đen đem tiêu hủy, phun thuốc BVTV, thả ong ký sinh đã mang lại kết quả khả quan.

Đến tháng 6 năm 2022, tổng lũy kế diện tích nhiễm sâu đầu đen là 1.193,54 ha, trong đó lũy kế diện tích phục hồi sau khi thực hiện các biện pháp phòng trừ hóa học và sinh học là 503,24 ha.

Để tiếp tục tăng cường chuyển giao các biện pháp quản lý sâu đầu đen và chăm sóc để vườn dừa nhanh phục hồi luôn là nhiệm vụ cấp bách và thường xuyên của ngành nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp xây dựng mô hình “Phục hồi vườn dừa bị thiệt hại do dịch hại sâu đầu đen (Opisina arenosella Walker) trên địa bàn tỉnh Bến Tre” nhằm chuyển giao các biện pháp kỹ thuật tổng hợp, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng sinh học quản lý sâu đầu đen để bảo vệ vườn dừa, chống tái nhiễm, phục hồi khả năng sinh trưởng, phát triển và sản xuất cho các vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại giúp ổn định thu nhập và thương mại trong chuỗi giá trị dừa Bến Tre.

Mô hình được triển khai thực hiện tại xã Thành An với diện tích 5 ha vườn dừa ta với 10 hộ tham gia, canh tác theo quy trình thông thường và tại xã Phú Long với diện tích 5 ha có 10 hộ tham gia, canh tác theo quy trình sản xuất hữu cơ. Sau hơn một năm thực hiện tại 2 điểm trình diễn, kết quả được đánh giá như sau:

Tại điểm xã Thành An dừa phục hồi khá nhanh với tốc độ ra lá mới trong năm 2023 trung bình từ 13-15 tàu lá mới/cây/năm; số cây cho trái trên 80%, số trái trung bình từ 50-55 trái/cây/năm, dự kiến thu hoạch trong năm 2024 với năng suất là 10.000 trái/ha/năm, tương đương năng suất dự kiến theo kế hoạch và cao hơn 17,6% so với đối chứng là vườn nông dân sản xuất ngoài mô hình tại địa phương. Lợi nhuận đạt 27,6 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 7,5 triệu đồng/ha (tính giá 6.000 đồng/trái).

Tại điểm Phú Long phục hồi với tốc độ ra lá mới trong năm 2023 trung bình từ 14-16 tàu lá mới/cây/năm; số cây cho trái trên 80%, số trái trung bình từ 55-60 trái/cây/năm, dự kiến thu hoạch trong năm 2024 với năng suất là 11.000 trái/ha/năm, cao hơn 10% so với năng suất dự kiến là 10.000 trái/ha/năm và cao hơn 22% so với đối chứng là vườn nông dân sản xuất hữu cơ ngoài mô hình tại địa phương. Lợi nhuận đạt 36 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 11,1 triệu đồng/ha (tính với giá dừa 6.000 đồng +15%=6.900 đồng/trái).   

Với chỉ tiêu khi xây dựng mô hình là tốc độ ra lá mới đạt 12 tàu lá/cây/năm; tỉ lệ cây cho trái trên 70% thì thực tế cho thấy khi nông dân tham gia mô hình tăng cường chăm sóc theo quy trình kỹ thuật được chuyển giao thì tốc độ cây phục hồi vượt kết quả mong đợi.

Đất có pH ở các vườn trước khi thực hiện mô hình vào tháng 10/2022 đo thực tế từng vị trí trên liếp vườn là dưới 4. Sau khi thực hiện bón vôi, lân nung chảy, phân hữu cơ đã nâng pH lên 5-6 vào cuối năm 2023.

Dịch sâu đầu đen và các loại sâu ăn lá khác cơ bản được chặn đứng, từ giữa năm 2023 đến nay hầu như không còn xuất hiện trên các vườn mô hình. Điều này cho thấy các loài ong ký sinh thả ra môi trường để kiểm soát sâu đầu đen có tập tính đa ký chủ góp phần giảm thiểu mật số của nhiều loài sâu hại trong vườn dừa trên địa bàn. 

Đây là kết quả đạt được từ mô hình, các hộ tham gia mô hình tiếp tục áp dụng các biện pháp kỹ thuật đã được chuyển giao trên vườn nhà của mình và sẵn sàng trao đổi chuyển giao các giải pháp kỹ thuật mô hinh với các hộ trồng dừa trong vùng để cùng nhau áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế, ổn định thu nhập cho mỗi gia đình./.

leftcenterrightdel
Tổng kết mô hình tại xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc 

Hồ Văn Lập

Trung tâm Khuyến nông và TVDVNN Bến Tre