Các hộ nông dân được hỗ trợ 50% chi phí giống và các vật tư thiết yếu để xây dựng mô hình, đồng thời được hướng dẫn áp dụng theo đúng quy trình do Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành. Ngoài ra, nông dân còn được hướng dẫn các biện pháp quản lý phòng trừ dịch bệnh tổng hợp đối với các loại sâu bệnh hại và cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Nhờ vậy, cây ngô phát triển khá tốt, mức độ nhiễm sâu bệnh hại thấp, chẳng hạn như: sâu đục thân 2-3% (mức 1), sâu đục bắp 0,5-1% (mức 1), bệnh đốm lá lớn 3-5% (mức 1), bệnh đốm lá nhỏ, thối thân, thối gốc, khô vằn 0%; các chỉ tiêu như đổ rễ, gãy thân không thấy xuất hiện.
Ông Phan Văn Hạnh, thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, cho biết: đây là lần đầu tiên ông trồng giống ngô PAC 999 trên chân đất chuyển đổi, với mật độ gieo 1 kg/sào. Qua quá trình canh tác, giống này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn như thời gian sinh trưởng ngắn từ 90 – 95 ngày; cây sinh trưởng phát triển khỏe, cứng cây, khả năng chống chịu sâu bệnh và chịu hạn khá tốt; trung bình có 01 trái/cây, trái to đều, hạt múp đầu, hạt màu vàng cam; năng suất đạt 74,8 tạ/ha, cao hơn so với các giống trước đây (chỉ đạt khoảng 65 tạ/ha), lợi nhuận mang lại 11.700.000 đồng/ha và màu sắc lá khi thu hoạch vẫn còn xanh nên tận dụng làm thức ăn chăn nuôi.
Theo anh Trần Nam Lợi, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tây Thuận, cho biết, PAC 999 là giống ngô mới được triển khai trên địa bàn xã nên để thâm canh đạt năng suất cao, nông dân cần lưu ý đến một số yếu tố như: gieo với mật độ vừa phải, không quá dày, trong vụ Hè Thu nên gieo với mật độ 60 x 25 cm/1 cây; đặc biệt chú ý 3 lần tưới chính là khi cây 7 – 9 lá, trước trỗ cờ 10 – 15 ngày và sau khi thụ phấn-thụ tinh xong; sau khi cây trỗ cờ - phun râu, nên bấm bỏ cờ trên những cây xấu, hoặc bẻ cờ sau khi thụ phấn - thụ tinh để tập trung dinh dưỡng về bắp hoặc thụ phấn bổ khuyết; bón phân phải cân đối, phù hợp chân đất và bón đúng thời điểm,… Đồng thời áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây bắp để giúp nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường.
    |
 |
Cây ngô PAC 999 thích ứng khá tốt với điều kiện sinh thái tại địa phương |
Ông Trịnh Văn Thừa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tây Sơn cho biết: hàng năm diện tích trồng ngô của huyện có khoảng 650 ha. Tuy nhiên, năng suất vẫn còn thấp, do người dân sử dụng giống cũ, đã thoái hóa, khả năng chống chịu với sâu bệnh, biến động thời tiết thấp,... Thực tế cho thấy, cây ngô PAC 999 thích ứng khá tốt với điều kiện sinh thái tại địa phương, đem lại năng suất khá cao, được người dân hưởng ứng. Do đó, Trung tâm sẽ có kế hoạch tập huấn triển khai quy trình kỹ thuật, phối hợp với chính quyền địa phương nhân rộng mô hình này tại xã Tây Thuận, cũng như các xã khác trên địa bàn huyện để giúp người dân nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập./.
Thành Nguyên
Trung tâm Khuyến nông Bình Định