Đồng Tháp: Phát triển mô hình hợp tác xã trồng nhãn Edor quy mô lớn
Cập nhật lúc 10:20, Thứ sáu, 27/09/2013 (GMT+7)
Huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là vùng trồng nhãn nổi tiếng với hơn 3.722 ha trồng phổ biến 3 giống nhãn: da bò, xuồng cơm vàng và nhãn Edor. Trong đó, giống nhãn Edor cho lợi nhuận cao (264 triệu đồng/ha), gấp 3 - 4 lần nhãn da bò nên đã được tỉnh chọn thí điểm xây dựng mô hình Hợp tác xã Nhãn Châu Thành chuyên trồng nhãn Edor. Mô hình được thực hiện tại xã An Nhơn quy mô 07 ha với 76 hộ xã viên tham gia.
Mục tiêu của HTX trồng nhãn Edor là xây dựng mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nhãn theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, đạt chuẩn về an toàn thực phẩm trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh. HTX sẽ áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, qua đó nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo đánh giá thực tế của nhà vườn tại huyện Châu Thành, nhãn Edor (còn gọi là nhãn Thái) cho quả có dạng hình cầu, đẹp, to, trọng lượng trái trung bình 15g, cơm dày, hạt nhỏ, vị ngọt dịu, thơm ngon, vận chuyển xa ít hư hỏng và hao hụt. Đặc biệt, nhãn Edor có ưu điểm ít bị bệnh chổi rồng. Nếu tỷ lệ mắc bệnh ở nhãn da bò đến hơn 90% thì loại nhãn này chỉ từ 5 - 10%. Thông thường nhãn Edor cho năng suất 17 - 18 tấn/ha (cây 7 - 8 năm tuổi), khả năng cho năng suất 25 - 30 tấn/ha (đối với cây từ trên 10 năm tuổi). Người trồng có thể xử lý kéo dài thời gian thu hoạch của cây mà không ảnh hưởng đến chất lượng trái. Do vậy, những hộ có ý định chuyển đổi cây trồng, chính quyền địa phương đã hướng nông dân chọn giống nhãn Edor.
Hiện nay, việc tiêu thụ hàng hóa thông qua HTX được xem là phương thức ưu việt vì đáp ứng được các yêu cầu thị trường cũng như thu nhập của nông dân. Canh tác nhãn Edor cho năng suất cao vượt trội do áp dụng các quy trình kỹ thuật sản xuất VietGAP. Các xã viên cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Sự chuyên nghiệp hóa trong hoạt động của HTX còn thể hiện ở chỗ, ngoài việc xây dựng vùng chuyên canh nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, HTX còn cung cấp giống nhãn đảm bảo chất lượng, nhận tư vấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tạo việc làm lao động với mức thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Theo tính toán, dự báo trong thời kỳ thí điểm mô hình sản lượng nhãn của HTX Nhãn Châu Thành bước đầu sẽ đạt 1.350 tấn/năm.
NVT