Nhận thức được điều này, đã từ lâu nhiều hộ nông dân tại các vùng đồi núi, rừng, khu vực nhiều hoa trái của tỉnh đã mạnh dạn nuôi ong lấy mật để phát triển kinh tế gia đình cho hiệu quả cao. Cũng xuất phát từ nhu cầu phát triển nghề nuôi ong, nên tỉnh Hà Nam đã thành lập Hội nuôi ong, đến nay đã thu hút được 739 hộ tham gia, tăng 7% so với năm 2010. Nhiều năm qua các hội viên của Hội nuôi ong luôn chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ hỗ trợ nhau trong kỹ thuật, nhận định đúng và kịp thời về thời gian hoa nở để di chuyển đàn, tạo nên mùa bội thu. Thông qua các hình thức tổ chức như câu lạc bộ cựu chiến binh; liên kết nhiều xã thành lập chi hội... để nghề nuôi ong đạt hiệu quả cao. Để xây dựng phong trào, nhiều huyện đã tích cực vận động thành công nông dân phát triển nghề nuôi ong gia đình. Các tổ chức đoàn thể liên kết chặt chẽ thúc đẩy phong trào nuôi ong như Hội nông dân, Cựu chiến binh, đặc biệt quan tâm đến công tác khuyến nông nghề nuôi ong để tạo thuận lợi cho Hội nuôi ong hoạt động.

Tính đến vụ xuân hè 2011, toàn tỉnh có khoảng 7.642 đàn ong, tăng 9%, trong đó có xấp xỉ 3.000 đàn ong ngoại, chiếm 30%, tập trung chủ yếu ở huyện Lý Nhân và huyện Bình Lục. Nhờ có kinh nghiệm chăm sóc, đàn ong luôn giữ mức ổn định và đảm bảo khi bước vào mùa thu mật, đặc biệt năm nay được mùa hoa vải và nhãn nên tạo điều kiện tốt cho ong thu mật được dài thời gian. Theo số liệu thống kê cho thấy mật ong khai thác được trong 6 tháng qua đạt trên 135,5 nghìn kg, tăng 34% so với năm 2010. Với những xã có phong trào nuôi ong cho sản lượng cao là 2 xã của huyện Lý Nhân: xã Nhân Bình được trên 46 nghìn kg mật; Nhân Chính thu trên 20 nghìn kg mật. Đồng thời nhiều hộ nuôi ong gia đình cũng thu được từ 5 đến 7 tạ mật. Tổng thu nhập từ mật ong và bán giống trong vụ xuân hè được trên 10,657 tỷ đồng, trong đó huyện Lý Nhân thu được nhiều nhất với trên 4,5 tỷ đồng. Nghề nuôi ong chi phí ít vì tận dụng nguồn thức ăn từ thiên nhiên, giúp giá thành mật ong ổn định với giá dao động từ 70-100 nghìn đồng/kg, lại thêm lao động nhẹ nhàng không phải tốn quá nhiều công sức và thời gian cho ong, nên rất phù hợp với các hộ nông dân có vị trí địa lý thích nghi và có trí vươn lên làm giàu để phát triển đàn ong. Theo đánh giá của Hội nuôi ong, các huyện trong tỉnh mới chỉ có từ 5 - 7 xã có nghề nuôi ong, ước tính thu được 30% tổng sản lượng mật hoa có trong thiên nhiên. Như vậy tiềm năng phát triển tổng đàn ong trên địa bàn tỉnh Hà Nam còn rất lớn, nguyên nhân chủ yếu là do người dân chưa yên tâm đầu tư, đặc biệt chưa nắm được nhiều kỹ thuật để áp dụng, công tác tuyên truyền còn hạn chế, hầu hết các hộ nuôi ong phải tự dựa vào những kinh nghiệm của mình để ứng biến với tình hình sinh trưởng phát triển của đàn ong nuôi. Phát triển nghề nuôi ong để góp phần xây dựng nông thôn mới - đó là một trong những mục tiêu ý nghĩa mà Hội nuôi ong tỉnh đề ra. Để thu 170 tấn mật/năm, Hội nuôi ong của tỉnh đưa ra các nhiệm vụ trọng tâm đó là: Tiếp tục củng cố hội, tuyên truyền vận động thu hút những hộ nuôi ong tự phát tham gia vào tổ chức Hội để có điều kiện học hỏi thêm từ các hội viên khác. Những xã có ít người nuôi có thể liên kết 2 -3 xã để thành lập tổ, chi hội cho tiện giúp đỡ nhau. Những hộ nuôi ong di động cần cộng tác với nhau, tìm nguồn hoa để di chuyển đàn, khai thác mật trong vụ thu đông. Dạy nghề cho hai huyện có điều kiện phát triển nghề nuôi ong, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền như tổ chức hội thảo, in ấn phẩm tập tin nội bộ để trao đổi kinh nghiệm nuôi ong và các công dụng của sản phẩm ong. Hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên cách thu mật, nhân đàn trong vụ thu, giữ thế đàn mạnh để vượt đông, chuẩn bị cho vụ thu mật xuân hè năm 2012.

Mai Huê