Mô hình trồng dưa lưới trên giá thể tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng
Tại Lâm Đồng, dưa lưới là cây trồng mới được đưa vào canh tác thử nghiệm tại một số công ty như Biofresh và Agritech Japan. Tuy nhiên chưa có báo cáo cụ thể về hiệu quả kinh tế và khả năng thích nghi của loại cây này trên địa bàn tỉnh.
Tháng 7 năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng tiến hành triển khai mô hình “Thử nghiệm trồng dưa lưới trên giá thể” tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng với diện tích 500m2 trồng 1.400 cây với mục đích đánh giá khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế của cây dưa lưới trên địa bàn huyện Đức Trọng. Kết quả sau khi trồng 70-80 ngày, năng suất trung bình đạt 1,3kg/quả, với giá bán 25.000 đồng/kg đem lại lợi nhuận cho người trồng 15 - 17 triệu đồng.
Từ thành công của mô hình trồng thử nghiệm do Trung tâm Khuyến nông triển khai là điểm cho người dân quanh vùng học tập. Qua đó, nhiều người dân nhận thấy đây là cây trồng mới có hiệu quả kinh tế nên nhiều nông hộ tại huyện Đức Trọng, TP Đà Lạt đã tự nhân rộng mô hình không cần chờ đợi sự đầu tư của nhà nước. Đến nay mô hình trồng dưa lưới trên giá thể đã được các nông hộ tự nhân rộng với diện tích khoảng 1,5 ha, trong đó tại Đức Trọng khoảng 1,1ha, Đà Lạt 0,4ha. Điển hình trong việc phát triển trồng dưa lưới trên giá thể như hộ ông Tô Văn Hòa, xã Ninh Loan trồng 0,2ha với năng suất đạt 1-1,5kg/quả/cây; hộ ông Lê Thanh Tuấn, xã Tân Hội trồng 0,2 ha năng suất đạt 1,2-1,6kg/quả/cây…
Thị trường dưa lưới hiện nay rất đa dạng, đa số người dân trồng dưa lưới đang bán cho các công ty rau quả, các cửa hàng, shop trái cây onlie tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…, giá bán dao động từ 25.000-40.000 đồng/kg tùy từng theo trọng lượng trái và mẫu mã sản phẩm.
Qua trao đổi, ông Lê Thanh Tuấn cho biết:“Dưa lưới tôi trồng thấy thích hợp trên địa bàn Tân Hội, nó dễ trồng, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng ngắn khoảng 75-80 ngày, nhu cầu dinh dưỡng của dưa lưới thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác như cà chua, ớt ngọt… cho nên giảm được chi phí sản xuất”.
Tuy nhiên khi trồng dưa lưới thường gặp một số sâu bệnh hại như rầy rệp chích hút, sâu đục quả và bệnh sương mai. Vì vậy bà con nông dân trồng dưa lưới phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện và phòng, trị kịp thời.
Phát triển nhân rộng mô hình trồng dưa lưới là một hướng đi chuyển đổi giống cây trồng mới. Tuy nhiên cần thận trọng trong việc phát triển phải gắn liền với thị trường đầu ra nhằm đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Nguyễn Thị Thùy
TTKN Lâm Đồng