Tham dự hội thảo có hơn 50 đại biểu, bao gồm đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cùng khuyến nông viên, thú y viên và các hộ nông dân quan tâm đến phát triển chăn nuôi vịt thương phẩm của các huyện: Văn Quan, Văn Lãng và Tràng Định của tỉnh Lạng Sơn.
Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt thịt tạo vùng nguyên liệu sản phẩm OCOP” thuộc Chương trình khuyến nông Trung ương do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn thực hiện trong năm 2024. Đây là năm thứ hai thực hiện tại huyện Tràng Định. Dự án có quy mô 4.650 con (giống vịt Super M), gồm 04 hộ tham gia triển khai tại xã Tri Phương và xã Hùng Việt huyện Tràng Định. Tham gia Dự án, các hộ nông dân thuộc địa bàn xã vùng 3 được Nhà nước hỗ trợ 100% con giống và vật tư phục vụ chăn nuôi gồm; thức ăn hỗn hợp, men vi sinh xử lý chuồng trại và thuốc thú y. Địa bàn xã vùng 1, vùng 2 được hỗ trợ 70% giá trị con giống và vật tư phục vụ chăn nuôi.
|
|
Các đại biểu sôi nổi thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm quản lý đàn vịt thương phẩm và liên kết tiêu thụ sản phẩm |
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tiếp nhận thông tin tình hình thực hiện Dự án; đánh giá kết quả bước đầu của mô hình về các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, hiệu quả xã hội, môi trường qua thực hiện theo phương thức chăn nuôi an toàn sinh học. Thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, chăm sóc đàn vịt thịt theo hướng an toàn sinh học. Vấn đề liên kết tiêu thụ sản phẩm phục vụ nhu cầu của thị trường, đặc biệt cần tổ chức nuôi gối đàn nhằm tránh áp lực trong khâu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường.
|
|
Đại diện cơ sở vịt quay OCOP Thu Hằng tại thị trấn Thất Khê huyện Tràng Định ký kết Hợp đồng tiêu thụ vịt thương phẩm với hộ nông dân tham gia mô hình ở xã Hùng Việt, xã Tri Phương |
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết tiêu thụ sản phẩm với 2 Hợp đồng giữa cơ sở vịt quay OCOP thương hiệu “Thu Hằng” tại thị trấn Thất Khê với 02 hộ nông dân tham gia nuôi vịt thương phẩm trong mô hình tại xã Tri Phương và xã Hùng Việt, huyện Tràng Định.
Trong ngày, các đại biểu đã được tham quan điểm mô hình thực hiện tại thôn Nà Ván, xã Tri Phương, huyện Tràng Định nhằm học tập, chia sẻ kinh nghiệm về cách xây dựng, bố trí chuồng trại, quản lý, chăm sóc đàn vịt; tạo lập nhật ký sản xuất,... Điểm mô hình thực hiện với quy mô 1.000 con (giống vịt Super M). Đàn vịt nuôi sau 56 ngày đã tăng trọng bình quân đạt 3,5 kg/con và đã đến kỳ xuất bán, tạo nguồn nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu phát triển sản phẩm OCOP thương hiệu “Vịt quay Lạng Sơn”.
|
|
Đại biểu tham quan, học tập kinh nghiệm điểm mô hình thực hiện tại thôn Nà Ván, xã Tri Phương, huyện Tràng Định |
Từ kết quả ban đầu đạt được, thông qua việc tiếp nhận thông tin tại hội thảo và tham quan, học tập mô hình, các đại biểu là những hạt nhân nòng cốt trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân tại các vùng có tiềm năng chăn nuôi thủy cầm theo hướng an toàn sinh học, từng bước phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới./.
Nguyễn Duy Hà
Trung tâm Khuyến nông Lạng Sơn