Xã Phùng Nguyên có diện tích đất gieo cấy lúa lớn của huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Những năm gần đây các giống lúa chất lượng cao phù hợp với đồng đất của người dân nơi đây đã được trồng thay thế các giống lúa lai và lúa thuần đại trà chất lượng thấp đã nâng cao chất lượng lúa gạo của địa phương, cơ hội để phát triển sản phẩm hàng hóa gạo giá trị cao. Các tiến bộ thâm canh tăng năng suất, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, áp dụng cơ giới hóa các khâu sản xuất để nâng cao hiệu quả lao động. Quy hoạch và tạo lập vùng tập trung có quy mô lớn để xây dựng vùng sản phẩm hàng hóa giá trị cao đã đem lại thành công, góp nâng cao năng suất lúa và hiệu quả kinh tế cho người dân.

Là xã sau khi được sáp nhập lại có nhiều tiềm năng cho phát triển nông nghiệp, nhất là lợi thế của các cánh đồng sản xuất lúa diện tích lớn, hệ thống kênh mương tưới, tiêu thuận lợi, nông dân liên kết thành các tổ sản xuất, thành lập HTX nông nghiệp để tổ chức chỉ đạo sản xuất… Đến nay, 100% đất sản xuất được làm bằng máy, toàn xã có 14 máy gặt liên hợp, tư duy và trình độ thâm canh, canh tác của nông dân được nâng cao.

Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao J02 vụ Xuân năm 2023 có quy mô hơn 11 ha được Hợp tác xã nông nghiệp Sơn Dương, xã Phùng Nguyên xây dựng thực hiện thành công, trở thành mô hình điểm để chính quyền địa phương khuyến cáo nhân rộng sản xuất. Với công tác tổ chức sản xuất tập trung, sử dụng cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới đầu tư có hiệu quả cao được nông dân ủng hộ, phù hợp với định hướng của Chính quyền địa phương: Mô hình được cơ giới hóa toàn bộ từ làm đất, gieo mạ khay – máy cấy, bón phân bằng máy, phun thuốc bảo vệ thực vật bằng thiết bị bay không người lái, máy thu hoạch lúa và đặc biệt là sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp ký bao tiêu toàn bộ ngay tại bờ ruộng (thu mua thóc tươi) với giá niêm yết từ đầu vụ được thỏa thuận giữa doanh nghiệp và HTX.

Theo ông Phùng Đức Thanh - Giám đốc HTX nông nghiệp Sơn Dương cho biết: Để có thành công của mô hình như ngày hôm nay, ngay từ đầu vụ, Ban quản trị HTX đã họp thống nhất cùng các xã viên có ruộng sản xuất trong vùng quy hoạch tập trung của mô hình, giải thích cặn kẽ về quyền lợi cũng như trách nhiệm tham gia để xã viên hiểu rõ, tuân thủ các bước trong quá trình sản xuất. Các thành viên trong Ban quản trị HTX được phân công chỉ đạo, quản lý và giám sát từng khâu để sản xuất theo đúng mục đích mô hình: cùng trà, một giống,… phối hợp cơ quan chuyên môn của huyện, xã để được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, chủ động trong các kỳ chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng rất quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đến bắt tay cùng HTX làm dịch vụ, chuyển giao TBKT áp dụng vào thực tiễn hiệu quả và đã mang lại thành công cho mô hình.

Vụ xuân này, năng suất lúa mô hình đạt 68 – 70 tạ/ha, toàn bộ sản lượng lúa sau khi thu hoạch được doanh nghiệp thu mua tươi ngay tại ruộng với giá 6.500 đồng/kg, hạch toán của HTX nông nghiệp Sơn Dương sau khi trừ đi các khoản chi phí đầu tư đã thu về lợi nhuận cho xã viên mỗi ha lúa hơn 20 triệu đồng. Doanh nghiệp thu mua sản phẩm rất hài lòng về chất lượng lúa, sản lượng và công tác tổ chức hợp tác khoa học, nhanh gọn. Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao gắn liên kết bao tiêu sản phẩm đã mang lại kết quả tốt, là cơ hội để lúa CLC nâng cao giá trị, mở rộng diện tích và liên kết bền vững trong tổ chức sản xuất hàng hóa nông nghiệp tại địa phương.

leftcenterrightdel

HTX nông nghiệp Sơn Dương (huyện Lâm Thao) thu hoạch lúa J02 mô hình vụ xuân năm 2023 

Nguyễn Đình Trung

Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ