Lần đầu tiên bà con nông dân và không ít cán bộ nông nghiệp mới được tận mắt nhìn thấy chiếc máy khéo léo rút mạ nhanh thoăn thoắt, cấy thành những hàng lúa đều tăm tắm, thẳng như được chăng dây…

 

Theo đánh giá từ thực tế triển khai, máy cấy tiết kiệm mạ, kiểm soát được mật độ, thuận lợi cho chăm sóc, bảo vệ tăng năng suất lúa. Với công suất làm việc hơn 40 công/máy/ngày, máy cấy tự động, bán tự động giảm được khoảng 70% chi phí so với cấy tay. Cụ thể, nếu cấy tay, nông dân phải tốn 1,5 công, tương đương 200.000 đồng/sào, chưa kể tiền ăn và công người gánh mạ mà vẫn không đủ nhân lực đáp ứng. Trong khi sử dụng máy cấy chỉ chi phí 110.000 đồng/sào, và mất khoảng 10 - 15 phút cấy/sào. Mặt khác, mạ giành cho máy cấy được gieo bằng máy trong khay. Điều này giúp nông dân thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, tạo ra cây mạ tiêu chuẩn, bảo vệ mạ an toàn trong điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại vụ Xuân hay nắng hạn của vụ Mùa và chủ động gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

 

Cây lúa được cấy bằng máy, qua theo dõi cho thấy lúa sinh trưởng và phát triển tốt, đẻ nhánh tập trung và khoẻ, số nhánh hữu hiệu cũng như số bông trên khóm đạt cao, đặc biệt do được cấy thưa nên tình hình dịch bệnh trên lúa cấy bằng máy cũng được hạn chế đáng kể.

 

Kết quả triển khai mô hình cũng cho thấy, máy làm đất L3408Vn hiệu Kubota của Nhật Bản sản xuất, đã thực sự phát huy hiệu quả do phù hợp với đồng đất cũng như trình độ canh tác của bà con địa phương. Máy cày L3408Vn được thiết kế với sự chuyển động của động cơ diesel, mã lực lớn, bánh răng hình nón đến các bánh xe, với dàn xới hình lưỡi liềm giúp cho việc cày xới làm đất hiệu quả. Đặc biệt nhờ hệ thống tay lái trợ lực, người điều khiển sẽ giảm được sự mệt mỏi, dễ dàng điều khiển khi quay đầu máy trong phạm vi hẹp. Với máy làm đất này, ruộng sẽ được xới nhuyễn ngay khi còn gốc rạ và ngăn chặn được cỏ dại…

 

Với máy gặt đập liên hợp DC60 được thiết kế với động cơ diesel. Máy tiêu hao nhiên liệu ít, hệ thống khay sàng với ba luồng khí lưu nên giúp cho việc thu hoạch ít bị thất thoát và hạt lúa sạch. Do có tốc độ 60 mã lực, 4 xi lanh nên máy chạy ở tốc độ lớn, chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút đã cắt xong 1 sào.Đặc biệt, máy vẫn có khả năng cắt lúa tốt trong trường hợp lúa bị đổ ngã và những ruộng ngập nước, lúa bị ướt..

 

Nếu như cách đây khoảng 30-40 năm, hình ảnh “Những chàng trai đang lái máy cày, và bao cô gái sẽ ngồi máy cấy” vẫn còn là “những giấc mơ xa”, thể hiện sự mong ước của người nhạc sĩ cũng như bà con nông dân về các loại máy móc có thể giải phóng sức lao động, đã hàng ngàn năm đè nặng lên vai người trồng lúa. Giờ đây, nhờ đưa cơ giới hoá vào sản xuất lúa mà bà con nông dân Việt Nam nói chung và nông dân xứ Thanh nói riêng có thể hoàn toàn làm chủ được đồng ruộng.

 

Hiện tại, nhiều địa phương trong tỉnh cũng đã tiến hành dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để có thể tiếp nhận và triển khai tốt mô hình cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa.

 

Mô hình cơ giới hoá đồng bộ trên địa bàn tỉnh, hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, góp phần tiết kiệm được giống, thời gian lao động, phân bón, giảm giá thành nguyên liệu đầu vào trong sản xuất, đồng thời nâng cao năng suất chất lượng, giảm thất thoát sau thu hoạch, mang lại lợi nhuận cao cho bà con.

 

Để mô hình khuyến nông “Cơ giới hoá đồng bộ trong sản xuất lúa” nhanh chóng được nhân ra diện rộng, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía để chủ trương lớn của tỉnh sớm đạt được mục tiêu đề ra.

 

Nguyễn Hùng - TTKN Thanh Hóa