Mô hình nuôi heo tại hộ Nguyễn Thanh Thúy - ấp Chợ Mới, xã Trung Chánh

Mô hình “Chăn nuôi heo thịt áp dụng đệm lót sinh học quy mô nông hộ” thuộc dự án “Hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi heo thịt sử dụng đệm lót sinh học quy mô nông hộ tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015 – 2017”; thực hiện năm 2016, huyện Vũng Liêm được phân bổ thực hiện 28 điểm (10 con heo/điểm) tại 03 xã Trung Chánh, Hiếu Nhơn và Trung Ngãi;

Mô hình thực hiện theo phương thức xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng thực hiện”, bà con tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua chế phẩm Balasa, 50% chi phí mua nguyên vật liệu làm đệm lót, 30% chi phí mua thức ăn và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, bà con đối ứng 100% tiền mua con giống và thuốc thú y, 70% chi phí mua thức ăn, 50% chi phí mua nguyên vật liệu làm đệm lót và 100% chi phí khác: chuồng trại, trang thiệt bị, chăm sóc,…

Trước khi tiến hành hội thảo, đại biểu và bà con nông dân được tham quan 02 mô hình chăn nuôi heo thịt áp dụng đệm lót sinh học tại 02 hộ dân thuộc ấp Chợ Mới, xã Trung Chánh. Qua báo cáo tại buổi hội thảo cho thấy, tỷ lệ heo nuôi sống từ 90 - 100 ngày tuổi đạt 100%, trọng lượng heo giống thả nuôi bình quân 21,7 kg/con, trọng lượng xuất chuồng sau 03 tháng tuổi đạt bình quân 100,4 kg/con. Với giá heo thịt hiện tại 40.000 – 41.000 đồng/kg, tính cho 01 điểm nuôi, sau khi trừ chi phí 255.600.000 đồng, bà con thu lợi nhuận được 4.741.000 đồng (không tính phần chi phí được hỗ trợ từ mô hình). Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Mẫn, ấp Hiếu Hậu, xã Hiếu Nhơn, Vũng Liêm.

Ông Mẫn cho biết, gia đình ông lúc đầu tham gia cũng băn khoăn với mô hình chăn nuôi heo thịt áp dụng đệm lót sinh học, tuy nhiên sau khi thực hiện cho thấy hiệu quả rõ rệt, với 10 con heo nuôi trong 105 ngày, gia đình ông thu được lợi nhuận trên 6.300.000 đồng; đặc biệt với việc áp dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã giúp gia đình ông tiết kiệm được chi phí điện, nước, giảm thiểu mùi hôi, giảm gây ô nhiễm môi trường, giúp heo tiêu hóa tốt, tăng trọng nhanh, giảm giá thành sản xuất; ông quyết tâm sẽ áp dụng kỹ thuật nuôi mới này trong những lứa heo tới.

Phát biểu tại buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - P.GĐ Trung tâm Khuyến nông (TTKN) Vĩnh Long chia sẻ: “Bên cạnh những hiệu quả đạt được từ mô hình như: nuôi heo trên đệm lót sinh học dễ thực hiện, giải quyết được ô nhiễm môi trường, chất thải được phân hủy triệt để,… thì việc thực hiện mô hình chăn nuôi heo thịt trên đệm lót sinh học theo quy mô nông hộ bước đầu cho thấy phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, góp phần giải quyết tốt cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương, tạo thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, để góp phần thực hiện thành công cho mô hình, bà con cần lưu ý khi làm chuồng nuôi đệm lót phải làm nền cao hơn mặt đất xung quanh khoảng 40cm để tránh thấm nước vào mùa mưa, giữ cho chuồng khô ráo thoáng mát; khi heo ở giai đoạn lớn khoảng 60kg trở lên bà con thường xuyên phải trộn đảo đệm lót và bổ sung thêm chất độn chuồng vì heo lớn lượng phân nước tiểu nhiều dễ làm dẽ đệm lót; đồng thời mặc dù làm nền bằng đệm lót sinh học nhưng 1/3 diện tích nền chuồng nên xây xi-măng để tạo sân chơi cho heo trong những ngày nắng nóng giúp cho heo được thoải mái để chăn nuôi đạt hiệu quả cao nhất”./.

 A Đam

Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Long