Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Duy Diệp – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, đặc biệt là cây dược liệu đã góp phần tạo việc làm, cải thiện sinh kế cho một bộ phận lớn cư dân sống bằng nghề rừng, phụ thuộc chủ yếu vào rừng.
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Bắc Kạn, tỉnh có diện tích tự nhiên là 485.941 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm 37.797 ha chiếm 7,8%, diện tích rừng và đất lâm nghiệp: 333.058 ha, chiếm 68,5%. Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có trên 1.000 loại cây dược liệu thuộc 190 họ thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loài cây quý mọc dưới tán rừng tự nhiên, vườn thuốc gia đình, có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như: bình vôi, hà thủ ô, khôi nhung tía, ba kích, cát sâm, đẳng sâm, kê huyết đằng…, đặc biệt có 52 loài đã đưa vào sách đỏ Việt Nam.
Trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã ban hành nhiều chính sách phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, việc phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu vẫn gặp nhiều khó khăn. Người dân chủ yếu khai thác và sử dụng lâm sản ngoài gỗ từ rừng tự nhiên, ít chú ý tái tạo, bảo tồn; Các mô hình gây trồng lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu còn rất ít, quy mô nhỏ, chủ yếu mang tính tự phát, tự cung tự cấp, chưa phát triển thành sản xuất hàng hóa lớn, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển của địa phương; Sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô, ít chế biến nên giá bán thấp.
|
|
Nhiều sản phẩm dược liệu của tỉnh Bắc Kạn được trưng bày bên lề Diễn đàn |
Tại Diễn đàn, đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trao đổi về các nội dung sau:
- Chủ trương, định hướng, kế hoạch và các giải pháp chiến lược nhằm phát triển liên kết sản xuất tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.
- Khó khăn, thuận lợi trong phát triển sản xuất và xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.
- Hướng dẫn sản xuất cây dược liệu dưới tán, hướng dẫn đăng ký, kiểm định chất lượng sản phẩm, đăng ký sản phẩm đạt chứng nhận OCOP;
- Giải pháp liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu. Khuyến cáo những sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có nhu cầu thị trường lớn để nông dân phát triển sản xuất.
- Giới thiệu những mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao.
Ban cố vấn, đại biểu đã cùng nhau thảo luận và đưa ra nhóm các giải pháp phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu.
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã để thúc đẩy phát triển lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, gắn sản xuất nguyên liệu với tiêu thụ sản phẩm.
Thứ hai, tăng cường đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật - công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gen, khai thác dược liệu tự nhiên, trồng trọt chế biến dược liệu và các sản phẩm dược liệu. Nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới. Xây dựng vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP/GACP-WHO.
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, đẩy mạnh công tác kết nối và kêu gọi đầu tư dây chuyền, công nghệ phục vụ chế biến sâu.
Thứ tư, tăng cường các hoạt động thông tin, hỗ trợ kết nối nhằm xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa bốn nhà "nhà sản xuất - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học" trong hoạt động sản xuất dược liệu.
|
|
Ông Nguyễn Duy DIệp - PGĐ Sở NN&PTNT Bắc Kạn chỉ đạo tại Diễn đàn |
Kết luận diễn đàn, ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bắc Kạn nhấn mạnh, để phát triển lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu ngoài các chính sách của Trung ương, của tỉnh Bắc Kạn, sự vào cuộc của các cấp chính quyền còn cần có sự nỗ lực, quyết tâm của các hợp tác xã, người nông dân trên địa bàn tỉnh; Đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất đăng ký thực hiện các Chương trình, dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thuộc các Chương trình Mục tiêu Quốc gia như: chính sách giảm nghèo, dân tộc thiểu số, Xây dựng nông thôn mới để tận dụng nguồn lực phát triển phát triển sản xuất.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, đại biểu tham quan mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ cây cát sâm tại HTX Quỳnh Trang, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
|
|
Tham quan mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ cây cát sâm tại HTX Quỳnh Trang, xã Đồng Thắng, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. |
Nguyễn Sâm – Bảo Toàn
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia