Ngày 10-11/10/2024, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi dưới tán điều thuộc Chương trình đào tạo huấn luyện Khuyến nông Quốc gia.

 

Tham dự lớp tập huấn có 30 học viên là cán bộ của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh; Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp các các huyện, thị xã, thành phố; cộng tác viên nông nghiệp cấp xã và nông dân nòng cốt trên địa bàn tỉnh.

 

Thông qua 02 ngày tập huấn, giảng viên truyền đạt các nội dung về  phương thức chăn nuôi gia cầm trên cạn; giới thiệu một số giống gà, vịt phù hợp chăn nuôi dưới tán cây điều; kỹ thuật chăn nuôi gà, vịt dưới tán cây điều, vệ sinh phòng bệnh, xử lý chất thải và giới thiệu một số mô hình chăn nuôi hiệu quả dưới tán cây điều.

 

Bên cạnh hình thức thuyết trình, thảo luận tại lớp thì các học viên còn được đi tham quan thực tế mô hình chăn nuôi gà dưới tán cây điều tại xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.

leftcenterrightdel

Học viên tham quan mô hình chăn nuôi gà dưới tán điều 

Theo chia sẻ của chủ mô hình thì việc chăn nuôi gà dưới tán cây điều rất phù hợp và mang lại nguồn thu nhập tăng thêm trên cùng diện tích đất trồng điều. Gà nuôi dưới tán điều sinh trưởng phát triển tốt, ít bị bệnh; chất lượng thịt gà săn chắc do được thả tự do trong vườn điều; giảm lượng thức ăn và thuốc thú y, bán được giá cao hơn so với nuôi nhốt, vườn điều cũng giảm được chi phí bón phân vì tận dụng được nguôn phân thải ra từ nuôi gà. Với quy mô 5.000 con gà sau khi đã trừ hết chi phí kể cả công lao động cho thu nhập hơn 50 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi dưới tán điều mang lại hiệu quả kinh tế và có thể nhân rộng tại những vùng trồng điều mang lại nguồn thu nhập tăng thêm cho người dân trông điều. Thông qua buổi tham quan thực tế học viên đã được quan sát, trao đổi, học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay từ chủ hộ.

 

Như vậy, mô hình chăn nuôi dưới tán đã tận dụng được bóng mát của vườn điều để chăn nuôi, tăng thu nhập cho người dân, cho thấy hiệu quả của việc tận dụng diện tích điều để tăng thu nhập trên cùng diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, khi quỹ đất ngày càng thu hẹp, rủi ro trong sản xuất do tác động của giá cả thị trường, xu thế tiêu dùng thì các mô hình chăn nuôi dưới tán ngày càng tỏ ra có hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường. 

 

Với nội dung thiết thực và bổ ích được giảng viên chia sẻ tại lớp tập huấn, hy vọng các học viên sẽ ứng dụng thành công trong phát triển kinh tế của gia đình cũng như chia sẻ truyền đạt kiến thức học được cho những người xung quanh học hỏi và cùng áp dụng vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Bình Phước