Đây là một trong các nội dung truyền thông nhằm thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Tham dự Toạ đàm có các đại biểu là đại diện của Trường Đại Học Cần Thơ, trường Đại học Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ và các đơn vị trực thuộc; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; Trung tâm Khuyến nông/TTDVNN và HTX, nông dân các tỉnh/TP: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và Cần Thơ; các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX). Tham dự và đưa tin về toạ đàm có các đơn vị truyền thông báo đài: Báo Nông thôn ngày nay, Thông tấn xã Việt Nam, Đài phát thanh truyền hình VTV9, Đài Phát thanh và truyền hình Cần Thơ, Báo Cần Thơ.
Ông Hoàng Văn Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, ông Trần Thái Nghiêm – PGĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, ông Trần Tấn Nghiêm – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Bạc Liêu đồng chủ trì.
|
|
Ban chủ tọa và các chuyên gia cố vấn tại tọa đàm |
Phát biểu khai mạc toạ đàm, ông Hoàng Văn Hồng cho biết: Để thực hiện Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án) theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã triển khai đồng bộ các giải pháp: Thành lập Ban chỉ đạo Đề án; Ban hành kế hoạch thực hiện Đề án của Bộ; Ban hành kế hoạch triển khai đối với 5 tổ công tác; Làm việc với các đối tác, các tổ chức trong nước và quốc tế để huy động nguồn vốn thực hiện; ban hành các hướng hướng dẫn cho các tổ chức tham gia; soạn thảo và ban hành các quy trình công nghệ; xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm; triển khai các lớp đào tạo tập huấn cho cán bộ và người nông dân tham gia dự án.
Sau 1 năm triển khai, tại các mô hình thí điểm áp dụng các biện pháp canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp ở địa phương, năng suất các mô hình vụ Hè thu 2024 đạt từ 63,0 – 66,0 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 3,0 – 5,0 tạ/ha, vụ Thu đông đạt từ 62,0 – 65,0 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình từ 2 – 4,0 tạ/ha. Tổng chí phí đầu vào giảm 10 – 15% so với đối chứng, giảm 40 – 50% lượng giống gieo, giảm 3 – 4 lần phun thuốc BVTV, giảm lượng nước tưới khoảng 30 – 40%. Hiệu quả kinh tế các mô hình làm thí điểm tăng từ 2,3 – 7,6 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình, giảm phát thải khí nhà kính từ 4,0 – 12,0 tấn CO2 tương đương/ha/năm. Đề án nhận được sự quan tâm chỉ đạo của toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự đồng hành của các tổ chức doanh nghiệp trong nước, quốc tế.
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang triển khai một số dự án Khuyến nông Trung ương ứng dụng các giải pháp kỹ thuật để sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp và đã thu được kết quả như sau:
+ Dự án: “Xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” giai đoạn 2022-2024. Mô hình ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch tạo sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, quy mô 600ha; Sản xuất lúa áp dụng gói kỹ thuật canh tác tiên tiến, sử dụng các giống lúa Đài thơm 8, OM18, OM5451… đạt cấp xác nhận trở lên; Mật độ sạ 80 kg/ha bằng máy sạ cụm; Có liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn doanh nghiệp, tạo vùng nguyên liệu được cấp mã số vùng trồng, liên kết hợp tác xã với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm bền vững; Nông dân, thành viên HTX tham gia mô hình được tập huấn gói kỹ thuật đồng bộ trong sản xuất lúa giảm chi phí; nâng cao năng lực quản lý cho hợp tác xã;
+ Dự án: “Xây dựng Mô hình HTX tổ chức sản xuất hạt giống lúa liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm tại vùng ĐBSCL, giai đoạn 2022-2024”. Hình thành vùng sản xuất, cung ứng hạt giống lúa nguyên chủng và xác nhận thông qua liên kết giữa HTX với doanh nghiệp phục vụ vùng nguyên liệu lúa gạo xuất khẩu, có truy xuất nguồn gốc.
+ Dự án: “Xây dựng mô hình ứng dụng dịch vụ cơ giới hoá thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân bón hữu cơ tại một số tỉnh ĐBSCL, giai đoạn 2023 – 2025”. Xây dựng 600 ha mô hình dịch vụ cung ứng cơ giới hóa thu gom nguyên liệu rơm, rạ phục vụ cho phát triển các sản phẩm phụ từ rơm, rạ. Công suất thu gom ≥ 50 cuộn/giờ, trọng lượng trung bình cuộn rơm từ ≥17 kg; 3 mô hình sản xuất nấm rơm với quy mô ≥ 70 tấn rơm nguyên liệu; 3 mô hình sản xuất phân bón từ rơm, rạ thành phân bón hữu cơ từ 30-50%, công suất ≥ 1.800 tấn rơm nguyên liệu; 3 mô hình ủ rơm ≥ 35 tấn rơm nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc.
+ Dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa - cá, giai đoạn 2024 – 2025”: Phát triển mô hình canh tác lúa - cá thuận thiên ở vùng đất trũng, vùng lũ nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, phát triển mô hình nông nghiệp theo hướng bền vững, giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo sản phẩm an toàn.
Tại toạ đàm, đại biểu chia sẻ những khó khăn bất cập trong canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp cụ thể như: Tác động của biến đổi khi hậu gây ngập úng trong mùa mưa bão và xâm nhập mặn vào mùa khô ảnh hưởng lớn đến áp dụng các biện pháp, kỹ thuật canh tác được khuyến cáo; Trong vụ Hè thu, sau khi thu hoạch thường gặp mưa, không cuốn rơm bằng máy được, người dân phải tốn thêm chi phí thuê lao động đưa rơm ra khỏi đồng; Hệ thống thủy lợi nội đồng chưa được hoàn chỉnh gây khó khăn cho việc điều tiết nước; Áp dụng kỹ thuật tưới ướt, khô xen kẽ, người dân không đồng thuận để rút nước giai đoạn 28 ngày sau sạ do giai đoạn này nông dân dùng nước để ém cỏ nếu rút nước khô cỏ dại bùng phát…
|
|
Các đại biểu trao đổi, thảo luận tại tọa đàm |
Các giải pháp kỹ thuật khác canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại vùng ĐBSCL được chuyên gia khuyến cáo tại toạ đàm như sau:
+ Sử dụng bèo hoa dâu trong canh tác lúa giúp giảm chi phí về phân bón do có khả năng cố định đạm trong tự nhiên, giúp cải tạo đất tăng năng suất cây lúa, kiểm soát cỏ dại, Trồng bèo hoa dâu kết hợp trong ruộng lúa ngoài tăng năng suất còn góp phần làm giảm phát thải khí nhà kính.
+ Sản xuất và sử dụng than sinh học (Biochar) từ phụ phẩm nông nghiệp, rơm rạ, trấu tại chỗ. Than sinh học có diện tích bề mặt lớn và cấu trúc xốp cao, mang lại khả năng giữ nước, giữ ẩm và hấp thụ các chất dinh dưỡng cho đất, có khả năng giảm phát thải các khí nhà kính như CH₄ và N₂O từ đất ngập nước…
+ Áp dụng “Quy trình kỹ thuật canh tác lúa sử dụng khoáng tự nhiên với công nghệ phun bằng dây bay” của Công ty cổ phần AHA theo Quyết định số 316/QĐ-VPPN về việc công nhận quy trình kỹ thuật lĩnh vực trồng trọt do Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận.
|
|
Chuyên gia giới thiệu về bèo hoa dâu trong canh tác lúa |
Để đẩy mạnh nhân rộng các mô hình thí điểm, nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm lúa gạo, đồng thời canh tác lúa phát thải thấp, nhiều đại biểu kiến nghị, ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của các bên có liên quan. Hỗ trợ nông dân khắc phục khó khăn trong quản lý, phát huy hiệu quả sử dụng rơm rạ, nhất là việc thực hiện đưa rơm rạ ra khỏi đồng để sử dụng theo hướng kinh tế tuần hoàn. Vận động nông dân thay đổi thói quen gieo sạ dày và sử dụng các loại vật tư đầu vào quá mức cần thiết. Đồng thời, tiếp tục tăng cường đầu tư, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, thủy lợi và đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, cải tiến các công nghệ và máy móc cơ giới cho phù hợp thực tế đồng ruộng tại vùng ĐBSCL để giúp nông dân thực hiện tốt quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp theo Đề án.
Nguyễn Sâm
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia