Thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Sở NN-PTNT Cao Bằng tham mưu UBND tỉnh xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương; chỉ đạo các sở, ban, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến nhân dân.

 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương tổ chức nhiều mô hình ứng dụng, thử nghiệm các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại, những giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao tại địa phương. Qua đó đã xác định được một số loại giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất và hiệu quả kinh tế, phù hợp với điều kiện của từng vùng.

 

Với những thành công từ các mô hình thử nghiệm Sở Nông nhiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án “Nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn năm 2030” trong đó xác định rõ lĩnh vực nông nghiệp thông minh, công nghệ cao đang là xu thế và coi đây là đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

 

Để hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ổn định, sản xuất tập trung các cây trồng, vật nuôi chủ lực, xây dựng vùng nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ cao, phù hợp với các cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, thế mạnh, nâng cao giá trị nông sản; giúp người dân tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác nông nghiệp; Những năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến với người dân. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chỉ đạo các khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông cơ sở bám sát đồng ruộng hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho nông dân; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, Trung tâm triển khai các lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân tại các xã để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra còn kết hợp các hình thức thông tin tuyên truyền, in ấn xuất bản các tài liệu khoa học kỹ thuật; tập trung tuyên truyền, giúp người dân chủ động thay đổi phương thức sản xuất phù hợp xu thế công nghệ mới. Nhờ tiếp cận khoa học kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất bền vững.

leftcenterrightdel
 Doanh nghiệp đến thu mua ngô trong mô hình sản xuất ngô lai hàng hóa cung cấp nguyên liệu cho chế biến mì ngô tách đường tại thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng

 

Điển hình về các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Cao Bằng phải kể đến mô hình canh tác các loại cây trồng chủ lực gồm dâu tây, rau mùa hè, hoa hồng trên tổng diện tích 4 ha của Hợp tác xã Trường Anh (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng).

 

Chị Đoàn Thu Trà – Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Từ năm 2017, Hợp tác xã Trường Anh đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng để trang bị hệ thống máy móc, thiết bị chăm sóc cây trong nhà lưới với đồng hồ cảm biến nhiệt độ, hệ thống phun sương tự động, hệ thống tưới nước nhỏ giọt, hệ thống tưới châm phân với bồn chứa riêng biệt giúp cây trồng tiếp nhận dinh dưỡng đồng đều, sinh trưởng và phát triển tốt hơn gấp nhiều lần cách làm nông nghiệp truyền thống. Hợp tác xã chú trọng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, phân bón cho dâu tây và hoa hồng được sử dụng phân hữu cơ sinh học; phân tự ủ lên men từ trứng, sữa, đậu nành, chuối giúp tăng hương vị thơm ngọt cho trái. Sản phẩm của Hợp tác xã được chứng nhận VietGAP, chứng nhận OCOP 3 sao và được thị trường rất ưa chuộng.

 

Theo phân tích của chị, làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tuy số vốn ban đầu bỏ ra lớn nhưng về lâu dài sẽ tiết kiệm khoản lớn chi phí nhân công, chủ động về chất lượng sản phẩm, đặc biệt với hệ thống tưới nhỏ giọt, cây trồng được “ăn” một lượng nước và phân bón vừa đủ, không gây lãng phí và dù người nông dân không có mặt trực tiếp tại khu vực sản xuất thì việc chăm sóc cây trồng vẫn được thực hiện tốt nhờ hệ thống giám sát được cài đặt trên điện thoại.

 

Mô hình trồng rau sạch và hoa quả hữu cơ nhà lưới theo mùa vụ của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Phong do anh Nguyễn Văn Võ thành lập cũng là một trong những điển hình về ứng dụng công nghệ cao. Là người yêu thích nông nghiệp, bằng những kinh nghiệm tích lũy được, anh bắt đầu khởi nghiệp sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại xóm Nam Phong, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng.

 

Với sự kiên trì, chịu khó, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, sau gần 2 năm, anh Võ và gia đình đầu tư trên 600 triệu đồng trồng 3.000 m2 rau sạch và hoa quả hữu cơ nhà lưới theo mùa vụ. Hiện mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh ổn định. Mỗi năm gia đình anh thu nhập trên 200 triệu đồng. Anh còn hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, làm nhà màng, nhà lưới, công nghệ tưới nhỏ giọt, cung cấp giống cây trồng cho người dân ở một số địa phương trong tỉnh như Nguyên Bình, Hà Quảng...

 

Hiện tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nam Phong gồm 11 thành viên, tạo việc làm cho 14 lao động thường xuyên và thời vụ tại địa phương. Hiện anh Võ đang hoàn thiện cửa hàng nông sản an toàn. Thời gian tới, anh tiếp tục nhân rộng mô hình ra một số huyện, hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng với đa dạng các sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

 

Tỉnh Cao Bằng đặc biệt quan tâm đến hỗ trợ phát triển sản phẩm và tìm các giải pháp về thị trường tiêu thụ sản phẩm nhằm mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho người dân. Toàn tỉnh có 97 sản phẩm OCOP (gồm 9 sản phẩm 4 sao, 88 sản phẩm 3 sao) thuộc 5 nhóm sản phẩm. Dự kiến năm 2024, sẽ có thêm 70 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao trở lên (gồm 59 sản phẩm đăng ký mới, 11 sản phẩm hết hạn chứng nhận tham gia đánh giá lại).

leftcenterrightdel
Mô hình nuôi cá bỗng trên sông và hồ chứa gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa 

 

Tỉnh cũng tổ chức trưng bày sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP tại các hội chợ giao thương quốc tế, trong nước và địa bàn tỉnh. Qua đó, nhiều hợp đồng phân phối sản phẩm với các siêu thị Big C, AEON, WinMart, Lotte Mart, sàn giao dịch thương mại điện tử, mở các đại lý tiêu thụ sản phẩm tại nhiều tỉnh, thành phố trong nước đã được ký kết. Nhờ vậy đã góp phần quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản của tỉnh và nhận được sự phản hồi tốt của người tiêu dùng. 

 

Định hướng năm 2024 tỉnh đẩy mạnh thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến; thực hiện liên kết từ đầu tư sản xuất cho đến bao tiêu sản phẩm; tăng diện tích trồng mới các loại cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả có giá trị kinh tế như cây lê, dẻ, thạch đen, thuốc lá; phát triển chăn nuôi hộ gia đình, gia trại, trang trại; tiếp tục rà soát diện tích đất có thể phát triển lâm nghiệp để trồng tăng thêm cây hồi, cây quế, trúc sào, cây mắc ca…

 

Phùng Thị Hồng Lan

Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng