Đây là hoạt động nhằm thông tin, truyền thông các hoạt động khuyến nông tại cơ sở, giới thiệu mô hình khuyến nông hiệu quả, đổi mới tổ chức sản xuất, sản xuất an toàn, bền vững, gắn kết thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, chú trọng truyền thông xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn và xây dựng hệ thống các tổ khuyến nông cộng đồng tại vùng ĐBSCL.

Giai đoạn 2022 - 2024, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai Dự án xây dựng mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL. Dự án thực hiện trên địa bàn 4 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp và Long An với mục tiêu xây dựng mô hình sản xuất lúa ứng dụng gói kỹ thuật đồng bộ từ gieo cấy đến thu hoạch tạo sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu. Theo đó xây dựng 12 mô hình, quy mô 50 ha/mô hình sản xuất lúa ứng dụng đồng bộ tiến bộ kỹ thuật từ gieo cấy đến thu hoạch; thực hiện cấp mã số vùng trồng cho 12 mô hình tương đương quy mô 600 ha khi đạt đủ điều kiện; xây dựng 4 mô hình Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi.

Đoàn đã đến thăm mô hình vùng nguyên liệu lúa gạo tại Hợp tác xã Sơn Hòa, xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây là mô hình đưa cơ giới hóa vào toàn bộ quá trình sản xuất nông nghiệp và có sự liên kết với Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời) thông qua 2 hình thức: liên kết bao lợi nhuận và liên kết truyền thống. Đoàn cũng thăm Nhà máy lương thực Vọng Đông - Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời.

leftcenterrightdel
 Đoàn tham quan mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang
leftcenterrightdel
 Đoàn tham quan Nhà máy lương thực Vọng Đông - Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời

Tại tỉnh An Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm xây dựng quy chế hoạt động của tổ khuyến nông cộng đồng tại An Giang” trong sáng ngày 26/10 để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc củng cố, kiện toàn hệ thống khuyến nông cơ sở theo hướng mở rộng đa chức năng dịch vụ, phục vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT, góp phần củng cố, xây dựng thương hiệu khuyến nông Việt Nam, đa dạng các hoạt động khuyến nông phục vụ phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng nông sản.

Tham dự tọa đàm, ông Nguyễn Hữu Tho - Phó Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ nông nghiệp Lộc Trời cho biết, mô hình sản xuất lúa phục vụ phát triển vùng nguyên liệu – nhà máy chế biến và Tổ khuyến nông cộng đồng là những khâu tạo thành chuỗi liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu lúa phục vụ xuất khẩu. Doanh nghiệp rất cần hệ thống tổ khuyến nông cộng đồng để thực hiện tốt cam kết với bà con nông dân, nhằm liên kết sản xuất quy mô lớn, áp dụng cơ giới hóa tập trung, bền vững tạo ra vùng nguyên liệu tập trung - bền vững (khoảng 100 nghìn ha) cho vùng ĐBSCL.

leftcenterrightdel
 Giám đốc TTKNQG phát biểu tại tọa đàm
leftcenterrightdel
 Toàn cảnh tọa đàm

Cũng dịp này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đã đến thăm Hợp tác xã sản xuất lúa gạo tại thành phố Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và trao tặng ấn phẩm khuyến nông nhằm giúp người nông dân mở rộng đối tượng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập.

Dự kiến, ngày mai (27/10), đoàn sẽ tham dự Diễn đàn Khuyến nông @Nông nghiệp chủ đề “Ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc nông sản” tại tỉnh Hậu Giang. Được biết, diễn đàn giúp đưa ra những giải pháp và định hướng cho nông dân trong việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, giúp bà con nông dân thay đổi tập quán sản xuất, mạnh dạn áp dụng tiến bộ công nghệ, thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt, ứng dụng các phần mềm, thực hiện tốt ghi chép nhật ký sản xuất để sản phẩm có thể truy xuất nguồn gốc rõ ràng đáp ứng nhu cầu thị trường, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế. Tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh tặng ấn phẩm khuyến nông cho bà con nông dân Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp  

BBT