Tham dự diễn đàn có đại diện các bộ, ngành Trung ương, đại diện các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp; đặc biệt là sự có mặt của 126 nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu. Diễn đàn Nông dân Quốc gia là sự kiện thường niên do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, giao báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức thực hiện. Đến nay, Diễn đàn đã qua 8 lần tổ chức.
Những tâm tư của nông dân
Tại Diễn đàn, hơn 20 ý kiến của nông dân đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức mà họ đang đối mặt trong sản xuất nông nghiệp do thiên tai, các vấn đề về bảo hiểm nông nghiệp, liên kết sản xuất, phát triển nông nghiệp tuần hoàn, những thách thức từ thị trường đất đai…
Ông Nguyễn Hữu Ánh, nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cà Mau, cho rằng mô hình nuôi cá chình, cá bống tượng hơn 20 năm qua cho thấy rất hiệu quả ở Cà Mau. Thế nhưng khó khăn là cấp lãnh đạo giữ đất nông nghiệp 100% không cho chuyển mục đích từ trồng lúa sang nuôi cá. “Hiện tại địa phương, một số hộ dân phải bỏ đất hoang, hỏi thì nông dân cho biết làm ruộng thì lỗ", ông Hữu Ánh nêu thực tế. Vì vậy, ông kiến nghị lãnh đạo nhìn lại vùng nào nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả thì cho phép chuyển đổi để nông dân phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng quê hương.
Ông Nguyễn Sỹ Bính, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phất Cờ, Quảng Ninh cho biết, nhiều năm qua, đơn vị tổ chức các mô hình liên kết nuôi biển xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Trung Quốc, đạt doanh thu từ 28 - 32 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, cơn bão số 3 vừa qua đã khiến hợp tác xã thiệt hại nặng nề. Vì vậy, ông Bính kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Trung ương Hội Nông dân kiến nghị với Chính phủ để nông dân sớm được khoanh nợ, giãn nợ, hoãn trả lãi đối với các khoản vay đầu tư đã bị thiệt hại; cho vay khoản vay mới với lãi suất ưu đãi để bà con đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và bàn giao diện tích biển để người dân yên tâm đầu tư bền vững.
Nông dân Nguyễn Thị Đoàn, đại diện Hợp tác xã sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vương Đoàn nói rằng tại vùng cát trắng Quảng Bình, bà con đã nghĩ ra mô hình nuôi cá lóc, tôm thẻ chân trắng trên nền cát. Vì giá bán thấp và thị trường không ổn định, bước đầu hợp tác xã thu mua từ bà con nông dân và thí điểm chế biến sâu, cho giá thành cao hơn. Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm OCOP 4 sao. Tuy nhiên để mở rộng sản xuất, bà Đoàn cho biết hợp tác xã không có đất. Họ đã lập đề án và kiến nghị lên cơ quan chức năng của tỉnh từ năm 2019, nhưng chưa có hồi đáp.
Cùng quan điểm với bà Đoàn, nông dân Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc HTX Bình Minh ở Bắc Giang cũng nhấn mạnh vào tầm quan trọng của hoạt động chế biến sâu. Anh Hải cho biết hợp tác xã của anh chuyên về chăn nuôi, chế biến thịt lợn. Năm 2023 doanh thu của hợp tác xã đã đạt 42 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Anh Hải cho rằng, các tỉnh cần chú ý đến cụm công nghiệp dành cho chế biến giúp các nông dân, HTX, doanh nghiệp chế biến sản phẩm đạt hiệu quả hơn. Nếu như hiện nay, cứ để HTX xây dựng khu chế biến trong khu đất thổ cư sẽ không thể vay vốn chăn nuôi và chế biến. Theo đó, việc quy hoạch cụm công nghiệp chế biến sẽ thành quần thể và giúp cho các đơn vị xúc tiến thương mại tốt hơn…
Lắng nghe và chia sẻ cùng nông dân
Trước những ý kiến, kiến nghị của các đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT - Lê Minh Hoan đã có những phản hồi cụ thể và chia sẻ chân thành. Ông nhấn mạnh rằng, tất cả những ý kiến, kiến nghị của nông dân sẽ được ghi nhận và xử lý kịp thời. Đồng thời cho biết: "Trong phần tài liệu tôi gửi cho các bác nông dân, có danh thiếp của tôi. Nếu phần trả lời hôm nay chưa đầy đủ, bà con hãy nhắn tin hoặc gọi điện cho tôi. Tôi sẽ bảo đảm rằng, tin nhắn của bà con sẽ được chuyển ngay tới lãnh đạo địa phương trong 5 phút. Chúng tôi không chỉ lắng nghe mà còn đồng hành cùng bà con để tìm ra những giải pháp thiết thực nhất".
Trả lời khó khăn của các nông dân liên quan đến đất đai để mở cơ sở chế biến, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói rằng Luật Đất đai năm 2024 vừa qua đã đưa vào thuật ngữ mới đó là “đất đa mục đích”, có nghĩa là đất nông nghiệp có thể nuôi thuỷ sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch. Luật Đất đai mới sẽ gần như “cởi trói” được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai, từ vùng nuôi cá chình ở Cà Mau cho tới nuôi cá lóc ở Quảng Bình và nhiều địa phương khác. “Có lẽ các địa phương vẫn còn đang lúng túng chưa tiếp cận được những thay đổi của Luật Đất đai”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ. Bộ trưởng cũng tư vấn người nông dân hãy nghĩ đến câu chuyện tối đa hóa năng suất trên một quy mô hiện tại. Ông từng đi sang Trung Quốc và thấy có nhiều tập đoàn lớn, nhưng vẫn hoạt động gồm nhiều xưởng nhỏ. Hay tại Chợ Lớn, nhiều người Hoa vẫn sản xuất trong xưởng nhỏ nhưng năng suất họ lại cao. “Nhỏ dễ kiểm soát hơn quy mô lớn. Quan trọng là tối đa hóa quy mô, năng suất hơn là mở rộng. Thôi thì giờ có bao nhiêu dùng bấy nhiêu khi nào có điều kiện hơn thì mở rộng tiếp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.
|
|
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, lãnh đạo hai đơn vị không chỉ lắng nghe mà còn đồng hành cùng bà con nông dân |
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam thừa nhận: Ngành nông nghiệp đang tồn tại điểm yếu như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng hàng hóa nông sản chưa đồng đều; chưa có những vùng nguyên liệu lớn để phục vụ chế biến... Hội Nông dân Việt Nam xác định phát triển kinh tế tập thế sẽ là nhiệm vụ đột phá để tháo gỡ những nút thắt của ngành nông nghiệp hiện nay. Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với một số ngân hàng thương mại, hỗ trợ nông dân vay vốn ưu đãi. Ngoài ra, Hội Nông dân Việt Nam sẽ tiếp tục ký kết với các bộ, ngành để tham gia phối hợp, triển khai các đề án phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhưng ông Đoàn cho rằng điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức của nông dân. “Chúng tôi không sợ bà con không làm được mà sợ bà con không hiểu. Tôi mong bà con vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa phải xây dựng thương hiệu tốt hơn. Tại các hệ thống cửa hàng, khi sản phẩm bán được nhiều thì chúng ta phải nâng cao chất lượng nữa hơn để đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng”, ông nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề thay đổi tư duy, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng các hợp tác xã phải đổi tư duy thành hợp tác xã kinh tế, chứ không nên giữ tư duy hợp tác xã sản xuất. Ở đó, phải có người nghiên cứu về kinh tế, có người nghiên cứu về thị trường, có người nghiên cứu về pháp luật, thậm chí có người nghiên cứu về cách nào đa dạng hóa sản phẩm… “Nông dân phải đi học, không phải vào trường lớp học 4-5 năm, mà là tự mình tìm hiểu. Mỗi bữa biết một chút, vài lần thì sẽ tăng sự hiểu biết, giá trị nông sản sẽ bền vững hơn”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng người nông dân phải học hỏi để tăng cường khả năng thích. Khách hàng ngày nay không mua một sản phẩm, họ mua cách tạo ra sản phẩm đó, xem xét liệu cách này có bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường hay không. “Không gian tạo ra giá trị của ngành nông nghiệp vẫn còn mênh mông, đừng ngồi một chỗ mà hi vọng bán được giá cao. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, nông dân xuất sắc là những người nông dân tử tế”, ông nhắn nhủ.
Tổng hợp các ý kiến cần kiến nghị
Qua tổng hợp ý kiến của các hội viên, nông dân cả nước thông qua tổ chức Hội Nông dân các cấp và qua nhiều nguồn, nhiều kênh thông tin khác nhau; trong đó có các ý kiến của các nông dân, hợp tác xã từ chuyên mục "Lắng nghe nông dân" trên Báo điện tử Dân Việt, Ban Tổ chức Diễn đàn tổng hợp được một số vấn đề cần lắng nghe, trao đổi tại Diễn đàn đó là:
Thứ nhất, đó là vấn đề hỗ trợ nông dân tái thiết và phục hồi sản xuất sau thiên tai do cơn bão Yagi và lũ lụt vừa qua, trong đó nổi lên các vấn đề lớn như hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp; đặc biệt là cần tạo điều kiện khoanh nợ, giãn nợ và cho vay nguồn vốn mới đối với những hộ dân bị thiệt hại trực tiếp từ bão lũ vừa qua, giúp nông dân nhanh chóng khôi phục sản xuất.
Thứ hai, nhóm các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, giảm phát thải hướng tới mục tiêu Netzero, vấn đề về quy hoạch sản xuất. Đây là nhóm vấn đề, rất nhiều nông dân, hợp tác xã có ý kiến, đề xuất, kiến nghị.
Thứ ba, nhóm vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ, động viên nông dân, trong đó có các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi thông qua các hoạt động của Hội Nông dân các cấp, về cần tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức, sinh hoạt của hội viên nông dân như thành lập các câu lạc bộ nông dân, phát huy hiệu quả, vai trò hoạt động của các chi, tổ hội nghề nghiệp làm cơ sở, nền tảng để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã.
Thứ tư, nhóm vấn đề về hỗ trợ, xây dựng thương hiệu nông sản, quảng bá nông sản trên các nền tảng số thông qua các hình thức tập huấn, tuyên truyền, đào tạo nông dân, để xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh, hiện đại.
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh: “Diễn đàn là dịp để chúng tôi được lắng nghe các nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đồng thời đề xuất, phản ánh, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị với Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trên cơ sở đó, giữa hai đơn vị sẽ có những báo cáo, tổng kết và đề xuất với Đảng, Nhà nước về những chính sách cụ thể để hỗ trợ người nông dân hăng hái tham gia sản xuất”. Diễn đàn được tổ chức với mục đích, ý nghĩa rất thiết thực, làm cơ sở để hướng tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024 sẽ diễn ra trong thời gian tới đây.
Trong khuôn khổ diễn đàn, Ban Tổ chức cũng tổ chức khu gian hàng triển lãm giới thiệu những thiết bị công nghệ số hiện đại nhất, gian hàng triển lãm về máy bay không người lái - drone, khu thưởng thức trà, cà phê; trưng bày đặc sản OCOP từ 3 sao trở lên của các nông dân, hợp tác xã…
BBT